Hãng bay giá rẻ mới mong chinh phục khách hàng bằng bay đúng giờ hơn

Dy Khoa | 10:46 05/10/2022

Hãng bay mới định hình là hãng bay giá cực rẻ, rẻ hơn cả "ông trùm" AirAsia.

Hãng bay giá rẻ mới mong chinh phục khách hàng bằng bay đúng giờ hơn

Chiều 4/10, hãng tin Nikkei Asia của Nhật Bản chạy dòng tít "Hãng hàng không giá rẻ mới của Malaysia nhắm tới giá vé rẻ hơn AirAsia". Sự kiện đánh dấu Malaysia có thêm một hãng bay giá rẻ bên cạnh "ông trùm" AirAsia - hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới, theo bình chọn của Skytrax.

Hãng bay giá rẻ lấy tên là MYAirline. MYAirline của Malaysia có kế hoạch bắt đầu hoạt động thương mại vào cuối năm nay. Giám đốc điều hành của hãng bay mới cho biết họ có thể bán giá vé rẻ hơn so với đối thủ nội địa hiện tại là AirAsia.

Giám đốc điều hành MYAirline Rayner Teo nhận thấy nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giá rẻ đang tăng lên khi châu Á đã nới lỏng các hạn chế về đại dịch Covid-19. MYAirline hy vọng sẽ được thị trường chú ý với vé giá rẻ hơn, hỗ trợ khách hàng theo thời gian thực tốt hơn và các chuyến bay đúng giờ.

MYAirline tham vọng trở thành hãng bay giá cực rẻ. Ảnh: MYAirline.

"Chúng tôi tin rằng hãng bay của chúng tôi có thể dễ dàng cung cấp các chuyến bay rẻ hơn dựa trên cơ cấu chi phí", ông Teo, cũng là đồng sáng lập của hãng, nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại trung tâm hoạt động còn khiêm tốn của MYAirline đặt ở phía trên một trung tâm mua sắm ở Subang Jaya, gần Kuala Lumpur.

Một số người đứng đầu hãng bay mới đã có kinh nghiệm làm việc tại hãng hàng không thuộc sở hữu của Capital A do Tony Fernandes làm chủ - AirAsia.

Trong đó, Kathleen Tan, Cố vấn điều hành của MYAirline, đã có 13 năm làm việc cho Fernandes, người cùng với một nhà đầu tư khác đã dẫn đầu việc mua AirAsia vào năm 2001, cuối cùng đã làm rung chuyển ngành hàng không trong khu vực với giá vé rẻ và dịch vụ được cải tiến theo hướng lắp ghép.

Trong khi đó, Mohd Izwan Razak, đã thuộc biên chế của AirAsia trong 17 năm. Bản thân Teo đã làm việc tại hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực trong 15 năm cho đến tháng 7/2019, rời khỏi vị trí trưởng bộ phận bán hàng của tập đoàn.

Teo cho biết ông không có kế hoạch lấp đầy MYAirline bởi những nhân viên cũ của AirAsia, mà chỉ đơn giản là tuyển dụng những người đã mất việc hoặc những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch,  bao gồm cả phi công và tiếp viên.

MYAirline, đã nhận được giấy phép hoạt động từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia, có kế hoạch bắt đầu với ba chiếc Airbus A320 đã qua sử dụng. Họ đặt mục tiêu tăng quy mô đội bay lên 50 chiếc trong vòng 5 năm tới.

"Chúng tôi đã ký một số giao dịch hấp dẫn với những người cho thuê rất lớn", Teo nói và từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Hãng bay mới cạnh tranh với AirAsia, hãng bay giá rẻ hàng đầu khu vực. Ảnh: Dy Khoa.

Fernandes của Capital A đã từ chối bình luận khi được các phóng viên hỏi về MYAirline và sự cạnh tranh.

Các nhà phân tích cho rằng MYAirline phải đối mặt với một số thách thức trong việc cạnh tranh về chi phí trong một môi trường bao gồm các hãng hàng không lâu đời là AirAsia và Malaysia Airlines.

Shukor Yusof của Endau Analytics cho biết: "Hãng hàng không đang được tiếp thị như một hãng hàng không giá cực rẻ, đây là một khái niệm thú vị vì chi phí trung bình cho mỗi chỗ ngồi của AirAsia là một trong những mức thấp nhất trong ngành và khó bị đánh bại".

Brendan Sobie, một nhà phân tích hàng không độc lập, nói rằng sự ra đời của MYAirline sẽ tăng cường cạnh tranh và kéo lại vấn đề dư thừa công suất đã gây ra cho Malaysia trước đại dịch. Trích dẫn số liệu của Malaysia Airports, Sobie cho biết lưu lượng hành khách nội địa ở nước này trong tháng 8 chỉ ở mức 66% so trước vào tháng 8/2019, trong khi lưu lượng quốc tế thậm chí còn thấp hơn, khoảng 38%.

Ông nói: "Sẽ có một số kích thích khi giá vé giảm, có thể đến mức trước Covid-19, nhưng điều này khó bền vững trong điều kiện môi trường chi phí nhiên liệu cao như hiện nay. Trước khi xảy ra đại dịch, sản lượng khai thác nội địa rất thấp và không hãng hàng không nội địa nào của Malaysia có lãi".

Teo cho biết hãng sẽ sử dụng Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur làm trung tâm, phục vụ các tuyến nội địa trước khi mở rộng ra các điểm đến quốc tế sau một năm.

Tình hình hãng bay giá rẻ Việt Nam ra sao?

Theo báo cáo tổng hợp về số liệu khai thác tháng gần nhất của Cục Hàng không Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông vận tải), nước ta đang có 6 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, VASCO, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air và Vietravel Airlines. Trong đó, các hãng bay Vietnam Airlines, VASCO và Pacific Airlines thuộc Vietnam Airlines Group.

Theo danh sách này, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines định hình là hãng bay tiêu chuẩn, hãng bay truyền thống với các dịch vụ đầy đủ. VASCO bay chặng ngắn, tàu bay nhỏ. Bamboo Airways và Vietravel Airlines là hai hãng hàng không lai, cung cấp từ giá rẻ đến cao cấp.

Hai hãng còn lại là Pacific Airlines, Vietjet Air định hình là hãng bay giá rẻ. Trong đó, Pacific Airlines là hãng bay giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam, thành lập năm 1990. Trong khi Pacific Airlines vật lộn với khả năng tồn tại thì Vietjet Air lại là hãng hàng không có thị phần khai thác nội địa gần như lớn nhất nước ta, thành lập năm 2007.


Vietjet Air là hãng bay giá rẻ lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Dy Khoa.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Vietjet Air ghi nhận doanh thu 14.696 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 76 tỷ đồng đối với công ty mẹ. Doanh thu hợp nhất là 16.112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 426 tỷ đồng. Vietjet Air đã mở đường bay gần như phủ khắp các sân bay trong nước và có các đường bay quốc tế một số nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.. Và vừa khai trương đường bay kết nối một số thành phố Việt Nam với Ấn Độ.

Còn tình hình tài chính của Pacific Airlines được Vietnam Airlines nhận định là "rất nghiêm trọng". Hãng bay bị dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa khả năng mất thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hãng bay giá rẻ mới mong chinh phục khách hàng bằng bay đúng giờ hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO