Hạn chế hay dừng hoàn toàn hoạt động của xe máy trong nội đô?

Hải Sơn | 22:37 08/04/2022

Để chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025, các chuyên gia cho rằng, nên phát triển các tuyến metro và giảm dần môtô, xe máy, chưa nên loại bỏ hoàn toàn.

Hạn chế hay dừng hoàn toàn hoạt động của xe máy trong nội đô?
Chuyên gia cho rằng chưa nên loại bỏ hoàn toàn xe máy trong nội đô mà chỉ giảm dần.

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 48/NQ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025, trong đó, Chính phủ giao 5 địa phương nghiên cứu hạn chế hoạt động xe máy.

Hạn chế hoạt động của xe máy trong thành phố

Theo đó, để tiếp tục giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020…

Nghị quyết 48/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết 48/NQ-CP, Chính phủ giao UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, cần tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỉ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35%; áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị; tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Trao đổi với MarketTimes, TS. Khương Kim Tạo - nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện xu thế các thành phố lớn hạn chế các phương tiện cá nhân nói chung và đặc biệt là hạn chế môtô, xe gắn máy là việc tất yếu mà chúng ta phải làm và làm càng sớm càng tốt.

“Để tạo điều kiện cho phát triển giao thông công cộng, chúng ta cần có những cung đường dành riêng cho xe buýt. Nhưng đây sẽ là sức ép đối với phương tiện cá nhân, buộc người dân phải thu hẹp môtô, xe gắn máy”.

TS. Khương Kim Tạo - nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia

Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ có tính khoa học và định hướng phát triển kinhtế xã hội và khoa học nghệ đảm bảo xây dựng các thành phố lớn văn minh, hiện đại, an toàn thân thiện. Mấu chốt là các thành phố phải nghiên cứu bản chất, thực chất với hiện trạng của vấn đề người dân đang sử dụng các phương tiện cá nhân như thế nào, đánh giá ảnh hưởng của môtô, xe gắn máy ra sao với giao thông đô thị. Từ đó, đưa ra giải pháp thực sự khoa học, ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực quy hoạch, vào lĩnh vực nghiên cứu để điều chỉnh các hoạt động xã hội.

Liên quan đến việc phát triển giao thông công cộng, TS. Khương Kim Tạo cho rằng, việc chúng ta đưa ra lộ trình cấm môtô, xe gắn máy là chưa khoa học vì không có căn cứ để triển khai. Cần phải có giải pháp hạn chế để thực hiện, quan trọng hơn thời gian xử lý.

Giải pháp chủ đạo là xây dựng nhanh các tuyến đường sắt đô thị

Hiện trên 90% giao thông đô thị là sử dụng các phương tiện cá nhân, tốc độ phát triển của phương tiện cá nhân trên 10%/năm, trong khi đó mỗi 1 năm cơ sở hạ tầng chỉ cải thiện được 1% (làm mới, mở rộng, cải tạo). Theo cơ cấu và cách làm hiện nay thì quỹ đất giao thông đô thị có hạn, nếu không phát triển giao thông công cộng thì ùn tắc ngày càng cao.

Nhìn lại sự phát triển các phương tiện giao thông công cộng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể thấy chưa theo quy hoạch.

Theo các chuyên gia, muốn phát triển giao thông công cộng phải có quy hoạch tổng thể và cụ thể từ đô thị đến không gian thương mại. Nếu cứ tích tụ trung tâm, hành chính, thương mại và chung cư trong khu vực nội đô, sẽ không thể giãn dân.

“Vấn đề ùn tắc giao thông liên quan đến kinh tế xã hội, cần phải đầu tư công nghệ, trí tuệ để xây dựng bài bản chứ không thể xử lý theo kiểu hành chính, dập khuôn. Nếu không có giải pháp đồng bộ, cụ thể thì đến năm 2030 không thể cấm được xe máy”, TS. Khương Kim Tạo nhấn mạnh.

Còn theo Ths. Vũ Anh Tuấn, Giảng viên Khoa Vận tải - Kinh tế, Đại học Giao thông Vận tải, đối với giao thông đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải triển khai các phương tiện vận tải lớn như Metro mới có thể giải quyết được vấn đề ùn tắc.

“Nếu dịch vụ tốt người dân sẽ chuyển đổi sang, nếu hô hào nhưng sau đó chất lượng không phù hợp thì người dân sẽ không sử dụng. Chúng ta không cần thiết loại bỏ xe máy và chỉ nên giảm dần vì loại phương tiện này vẫn phù hợp với cung ngắn và các ngõ phố của thủ đô. Cần kết nối các phương thức giao thông khoa học thì sẽ tạo được mạng lưới giao thông hoàn hảo”.

Ths. Vũ Anh Tuấn, Giảng viên Khoa Vận tải - Kinh tế, Đại học Giao thông Vận tải

Ths. Vũ Anh Tuấn cho rằng, cách đây khoảng 20 năm chúng ta đã đưa ra lộ trình với mục tiêu đến năm 2020 vận tải công cộng phải chiếm 25%, 2025 là 35% và 2030 phải đạt 40% - 45%. Nhưng hiện tỉ lệ người dân đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng vẫn chỉ hơn 10%.

Giải pháp chủ đạo của giao thông nội đô là cần phải xây dựng nhanh các tuyến đường sắt đô thị để phục vụ người dân, bởi không bao giờ người dân bỏ ôtô để chuyển sang xe buýt vì thời gian đi xe buýt gấp đôi thời gian đi ôtô.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hạn chế hay dừng hoàn toàn hoạt động của xe máy trong nội đô?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO