HAGL sắp được “cứu” với 1.300 tỷ đồng

Hồng Minh | 22:41 23/11/2023

Hai tổ chức và một cá nhân dự chi 1.300 tỷ đồng mua cổ phiếu phát hành thêm của HAGL giúp công ty này tái cơ cấu các khoản nợ vay và trái phiếu.

HAGL sắp được “cứu” với 1.300 tỷ đồng
Chủ tịch HAGL - ông Đoàn Nguyên Đức (Ảnh: Thanhnien)

Nội dung chính:

HAGL chốt phương án phát hành phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về 1.300 tỷ đồng để tái cơ cấu các khoản nợ vay, trái phiếu.

Đã có 2 tổ chức và một cá nhân là nhà đầu tư chuyên nghiệp nằm trong danh sách mua toàn bộ số lượng cổ phiếu phát hành thêm của HAGL.

CTCP Quản lý quỹ Việt Cát - thành viên mới của TPBank dự kiến sẽ mua 60 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HoSE: HAG). Ngoài ra, Công ty chứng khoán LPBank cũng dự kiến mua vào 50 triệu cổ phiếu HAG trong đợt phát hành này.

Đây là hai tổ chức sẽ mua phần lớn lượng cổ phiếu sẽ phát hành riêng lẻ trong thời gian tới của HAGL.

Danh sách cổ đông chiến lược vừa được HAGL công bố chiều 23/11. Trước đó 1 ngày, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho TPBank góp vốn để mua lại Quỹ Việt Cát. Việc mua lại một công ty quản lý quỹ nằm trong kế hoạch của TPBank đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 của ngân hàng thông qua trước đó.

Theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, HAGL sẽ chào bán 130 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Mức giá này nhỉnh hơn một chút so với giá đóng cửa cổ phiếu HAG phiên giao dịch 23/11 (9.800 đồng/cổ phiếu).

Cổ phiếu phát hành thêm bị hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm. 

1.300 tỷ đồng thu được dự kiến sẽ dùng vào các mục đích như sau:

  • - 330 tỷ đồng thanh toán nợ trái phiếu (phát hành từ năm 2012) cho HAGL.
  • - 279 tỷ đồng thanh toán nợ vay của công ty con là Gia súc Pơ Lang tại TPBank. 
  • - 700 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động và cơ cấu nợ cho công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai. 

3 tổ chức/cá nhân là nhà đầu tư chiến lược dự kiến mua vào 130 triệu cổ phiếu phát hành bao gồm:

  • - Ông Nguyễn Đức Quân Tùng chi 200 tỷ đồng mua 20 triệu cổ phiếu
  • - Chứng khoán LPBank chi 500 tỷ đồng mua 50 triệu cổ phiếu
  • - Quỹ Việt Cát chi 600 tỷ đồng mua 60 triệu cổ phiếu.

HAGL được “cứu”

Trong phiên giao dịch ngày 23/11, HAG đã tăng 4,7%, đạt mức giá 9.800 đồng/cổ phiếu với gần 53 triệu cổ phiếu được sang tay. Đây là khối lượng giao dịch cao đột biến trong một phiên của HAGL, là con số kỷ lục tính từ đầu năm 2022 đến nay. 

Sự bứt tốc của cổ phiếu HAG trong phiên 23/11 phản ánh phần nào sự lạc quan của nhà đầu tư trước tình hình của HAGL, đặc biệt là việc công ty thông qua kế hoạch chi tiết, kèm danh sách nhà đầu tư đồng ý rót vốn vào mua cổ phiếu phát hành thêm. 

1.300 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt chào bán riêng lẻ sẽ giúp HAGL nhẹ gánh nợ vay, qua đó giảm lãi vay trong thời gian tới. 

Các khoản nợ đến hạn đang tạo áp lực lớn lên dòng tiền của HAGL.

Lô trái phiếu HAG2012.300 với tổng giá trị 300 tỷ đồng được phát hành năm 2012, đáo hạn vào cuối quý III/2023. Tuy nhiên, công ty đã phải gia hạn lô trái phiếu này thêm hai năm, đến năm 2025. Theo kế hoạch phát hành cổ phiếu

Tính đến cuối quý III/2023, HAGL có 3.930 tỷ đồng nợ ngắn hạn và dài hạn đến hạn trả (phải trả trong vòng 1 năm). Chỉ riêng chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm của HAGL đã lên tới 678 tỷ đồng, là khoản chi phí lớn nhất trong kỳ của công ty. 

Ngoài việc trực tiếp trả nợ trái phiếu (dù đã được gia hạn), HAGL dự kiến dùng số tiền thu được còn lại để tái cơ cấu các khoản vay cho các công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai và Gia súc Pơ Lang.

Về mặt kế toán, mọi khoản vay của công ty con đều được HAGL ghi nhận vào báo cáo tài chính hợp nhất. 

Như vậy, việc tái cơ cấu các khoản vay từ nguồn vốn cổ phần sẽ giúp HAGL trực tiếp giảm vay nợ, trong khi vốn chủ sở hữu được tăng lên. 

Giả sử HAGL dành toàn bộ số tiền thu được để trả nợ vay và trái phiếu, so với cuối quý III/2023, nợ vay của HAGL sẽ giảm từ mức 7.778 tỷ đồng xuống 6.478 tỷ đồng, tương đương mức giảm 16,7%. 

Mức giảm này chưa đủ “cứu” HAGL, tuy nhiên có thể giúp tình hình công ty dễ thở hơn trong thời gian tới. HAGL vẫn cần thời gian để xóa lỗ lũy kế, thu đủ dòng tiền để tái cơ cấu các khoản nợ, giảm lãi vay hàng năm. Những mục tiêu này, về cơ bản vẫn phải đến từ hoạt động kinh doanh chính của HAGL là trồng và xuất khẩu chuối - sầu riêng, nuôi heo ăn chuối.

Bài liên quan

(0) Bình luận
HAGL sắp được “cứu” với 1.300 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO