Hà Nội: Nhiều trạm xử lý nước thải được đầu tư rồi để không

Lê Sáng | 07:02 28/09/2022

Kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội cho thấy đang có nhiều trạm xử lý nước thải đã được đầu tư nhưng chưa đưa vào vận hành.

Hà Nội: Nhiều trạm xử lý nước thải được đầu tư rồi để không
Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội khảo sát thực địa tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều, huyện Thanh Trì - Ảnh: VGP

Đầu tư rồi bỏ không

Vừa qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn.

Kết quả giám sát cho thấy toàn thành phố đang có nhiều trạm xử lý nước thải đã được đầu tư nhưng chưa đưa vào vận hành do nhiều nguyên nhân, gây lãng phí, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Cụ thể, theo đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội đang có nhiều dự án xây dựng trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng nhưng không đấu nối, không đi vào hoạt động.

Đơn cử như Nhà máy xử lý nước xã Sơn Đồng (Hoài Đức), đến nay dự án đã xong công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thiện hệ thống đường ống thu gom, hệ thống xử lý nước thải và nhà điều hành quản lý, nhưng vẫn chưa đưa vào vận hành vì thiếu một số hạng mục (trạm bơm chuyển bậc số 2, tuyến ống thu gom nước thải, tuyến ống xả nước sau khi xử lý…).

Trạm xử lý nước thải tại khu đô thị Việt Hưng, trạm xử lý nước thải duy nhất trong các khu đô thị trên địa bàn quận Long Biên được Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD xây dựng, nhưng hơn 5 năm nay nhưng vẫn chưa hoạt động, gây lãng phí.

Ngoài ra, Trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều đã được đầu tư từ năm 2008 nhưng chưa từng vận hành, hiện tại xuống cấp nghiêm trọng, các thiết bị cũ, hỏng, không đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải.

Thực trạng đáng báo động

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội Nguyễn Thế Công, hiện nay hệ thống thu gom, xử lý nước thải, hiện trên địa bàn thành phố mới có 6 nhà máy, trạm xử lý được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành với tổng công suất xử lý hơn 276 nghìn m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.

Còn theo thống kê từ Sở Công thương TP. Hà Nội, trên địa bàn hiện có 70 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động nhưng tính đến tháng 8/2022, thành phố có mới 30 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn 11 CCN đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố tập trung thực hiện, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2022.

Trong khi đó, cũng theo giám sát của HĐND TP. Hà Nội, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN đã hoạt động ổn định giai đoạn 2014-2015 đang bị chậm; một số CCN được đầu tư đồng bộ trạm xử lý nước thải tập trung song chưa phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp, hộ dân trong CCN chưa thực hiện nghiêm đấu nối xả thải với hệ thống này. Cùng với đó, việc thu phí nước thải cũng nhiều khó khăn do chủ đầu tư chưa xác định giá dịch vụ thoát nước và lưu lượng nước của doanh nghiệp, người dân...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà từ năm 2016 đến nay, các dự án đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu đô thị hóa nhanh của Thủ đô. Nhiều dự án thiếu đồng bộ giữa mạng lưới và hệ thống đấu nối gây lãng phí, hiệu quả không cao.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải chưa nhịp nhàng; dẫn đến việc triển khai các dự án xử lý nước thải còn chậm tiến độ. Một số dự án trạm xử lý nước thải đã thi công xong nhưng chưa đưa vào vận hành được do chưa xác định đơn giá vận hành…

Đối với hoạt động của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, doanh nghiệp giữ vai trò chủ chốt trong công tác thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn. Theo đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội, hiện nay doanh nghiệp dù đứng đầu cả nước về thoát nước nhưng còn ít tham gia xử lý nước thải.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội còn chưa quyết liệt, chưa chủ động để làm hết trách nhiệm trong khắc phục, xử lý các tồn tại, vướng mắc, dẫn đến chưa đảm bảo hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Huy động đồng bộ giải pháp

Sau giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn, HĐND TP. Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khắn, xử lý những tồn tại.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Sở Xây dựng tích cực tham mưu, chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành các công trình sửa chữa, cải tạo thoát nước. Chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện thoát nước.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng cần đôn đốc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đầu tư các dự án thoát nước, xử lý nước thải theo Quy hoạch.

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu sớm tham mưu UBND thành phố tổng hợp, lập kế hoạch chung và giao kế hoạch, bố trí đủ nguồn vốn các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn ngân sách phù hợp với tiến độ, kế hoạch thực hiện của dự án hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình thoát nước, xử lý nước thải.

Đối với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Công ty duy trì vận hành tốt các trạm xử lý, đảm bảo an toàn, chất lượng, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành, kiểm tra hệ thống thoát nước thường xuyên, phát hiện kịp thời các sự cố để xử lý như các ga, cống, rãnh hư hỏng, bổ sung các ga thu nước tại các vùng trũng, đảm bảo an toàn giao thông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hà Nội: Nhiều trạm xử lý nước thải được đầu tư rồi để không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO