Hà Nội lên kế hoạch sáp nhập 25 phường tại 5 quận

Lê Sáng | 11:19 28/02/2024

Thành phố Hà Nội dự kiến sáp nhập 25 phường tại 5 quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông và Long Biên do không đủ tiêu chí về diện tích và dân số.

Hà Nội lên kế hoạch sáp nhập 25 phường tại 5 quận
Hà Nội lên kế hoạch sáp nhập 25 phường tại 5 quận. Ảnh minh họa. Nguồn - Int

Theo phương án được UBND TP. Hà Nội đưa ra, quận Đống Đa sẽ giảm hai phường, trong đó sáp nhập phường Khâm Thiên và Trung Phụng; phường Ngã Tư Sở nhập vào Khương Thượng và Thịnh Quang; Trung Tự vào Phương Liên và Kim Liên.

Quận Hà Đông giảm hai phường khi nhập Yết Kiêu, Nguyễn Trãi và Quang Trung thành một phường mới. Quận Hai Bà Trưng giảm ba phường sau khi nhập Đồng Nhân và Đống Mác, Quỳnh Lôi với Bạch Mai, Cầu Dền vào Bách Khoa và Thanh Nhàn.

Quận Long Biên giảm một phường khi nhập Sài Đồng vào Phúc Đồng và Phúc Lợi. Quận Thanh Xuân giảm hai phường do sáp nhập Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam, Hạ Đình vào Kim Giang.

Theo UBND TP. Hà Nội, phần lớn các phường sau khi sáp nhập vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định, nhưng do các yếu tố đặc thù nên không thể nhập thêm đơn vị hành chính khác liền kề.

Tại các huyện, Ứng Hòa có số xã giảm lớn nhất khi nhập 14 xã thành 5 xã (giảm 9); Thường Tín, Đan Phượng và Quốc Oai cùng giảm 4 xã. Thị xã Sơn Tây giảm 2 phường: nhập phường Lê Lợi, phường Ngô Quyền và phường Quang Trung thành một phường mới.

Sau khi thực hiện việc sắp xếp, thành phố có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (17 huyện, 12 quận, một thị xã) và dự kiến có 509 đơn vị hành chính cấp xã (321 xã, 168 phường, 20 thị trấn), số phường xã thị trấn hiện nay là 579.

UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp đơn vị hành chính. Các địa phương liên quan rà soát, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp để có phương án hỗ trợ.

Tại kỳ họp cuối năm 2023, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của Hà Nội, thành phố có 173 phường xã phải sáp nhập, trong đó có 79 xã, 87 phường và 7 thị trấn. Tuy nhiên do những yếu tố đặc thù về lịch sử, địa lý, quy mô dân số... nên thành phố dự kiến chỉ giảm được 70 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm được 54 xã và 15 phường.

Dự kiến phương án này sẽ được trình HĐND thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề cuối tháng 3. Sau đó, thành phố sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, vào tháng 11/2023, UBND TP. Hà Nội thông tin đã hoàn thành Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025. Trong đó, thành phố có một đơn vị cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập do không đủ tiêu chí về diện tích, dân số. Theo định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000.

Khi đó, đối với trường hợp của Quận Hoàn Kiếm, UBND TP. Hà Nội cho rằng Hoàn Kiếm đủ tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% diện tích (5,35 km2, tuy nhiên không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm vì một số lý do đặc thù.

Về việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, sáp nhập các đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là rất cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tại hội nghị đối thoại với Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội diễn ra sáng 9/8/2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy là phải quán triệt, thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Thành ủy sẽ có chỉ thị và thành lập ban chỉ đạo để thực hiện.

Dưới góc độ chuyên môn, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Kiến trúc sư trưởng Thủ đô Hà Nội bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm và kiến nghị nên giữ nguyên như hiện tại.

“Mọi quy định là do con người nghĩ ra nên việc áp dụng phải hợp lý và khả thi, không nên cứng nhắc. Đặc biệt, phải tôn trọng lịch sử”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hà Nội lên kế hoạch sáp nhập 25 phường tại 5 quận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO