GS Đặng Hùng Võ: Từ 2009 đến nay, trung bình cứ 10 năm giá bất động sản tăng gấp đôi, chưa bao giờ có tình trạng xuống giá

Nhật Anh | 14:43 24/09/2024

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, thị trường xuất hiện một số chiêu trò kích giá ảo khác khiến giá bất động sản còn tiếp tục tăng cao.

GS Đặng Hùng Võ: Từ 2009 đến nay, trung bình cứ 10 năm giá bất động sản tăng gấp đôi, chưa bao giờ có tình trạng xuống giá
Ảnh minh họa

Trước diễn biến giá bất động sản liên tục tăng nóng như hiện nay, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, giá tăng của bất động sản là sự tăng "ảo" chứ không có giá trị vật chất thật để đảm bảo giá trị tăng đó có ý nghĩa. Nguy hại hơn, điều này được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. 

Từ góc độ quan sát của vị giáo sư, rất nhiều người lao vào đầu tư bất động sản do tỷ suất lợi nhuận vô cùng hấp dẫn, cao hơn rất nhiều so với các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa khác (chỉ khoảng 10%). Cụ thể, theo tính toán của ông, giai đoạn 1990 - 1992: bất động sản tăng 10 lần; 2000 - 2002: tăng 10 lần; 2007 - 2008: tăng 3 lần. Riêng từ năm 2009 đến nay, cứ 10 năm giá bất động sản lại tăng gấp đôi. Có thời kỳ đứng giá chứ chưa bao giờ có tình trạng xuống giá bất động sản xảy ra.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cảnh báo, hiện nay thị trường còn xuất hiện một số chiêu trò kích giá bất động sản để nhằm mục đích tăng giá trục lợi. Trong đó, lợi dụng trả giá rất cao trong các phiên đấu giá đất chỉ là một cách.

Bên cạnh đó, nguồn cung quá thấp so với cầu có khả năng chi trả cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá nhà tăng quá cao như hiện nay.

GS Võ đề cập đến tỷ số giá nhà ở trung bình/mức thu nhập trung bình (theo năm) và so sánh tại một số quốc gia trên thế giới. Ví dụ, tại các nước Âu Mỹ, tỷ số này từ 2 - 4 lần; ở các nước chậm phát triển hơn thì tỷ số này là khoảng trên dưới 10 lần. 

Đáng chú ý, tỷ số này ở Việt Nam 10 năm trước đã lên tới mức 25, thậm chí là 30 lần trong vài năm gần đây. Như vậy, nếu một người có thể tiết kiệm được 1/4 thu nhập hàng tháng thì cũng phải mất 100 đến 120 năm mới mua được nhà tại Việt Nam, GS Võ nhấn mạnh.

"Rõ ràng, thị trường bất động sản hiện nay không phục vụ cho đại đa số người dân mà chỉ chủ yếu dành cho nhóm đối tượng đầu tư, kinh doanh bất động sản. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, đến một lúc nào đó giá trị thật sẽ không còn chỗ đứng. Những người đầu tư vào bất động sản sẽ mua bán giá ảo với nhau", vị giáo sư cho hay.

Bàn về vấn đề nhà ở xã hội, GS Võ cho rằng đây không phải giải pháp cho toàn thị trường bất động sản nói chung mà chỉ là giải pháp dành cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nhà ở xã hội vẫn còn dè dặt, trong khi nguồn cung đang gần như tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại, có giá cao hơn nhà ở xã hội.

Do đó, từ kinh nghiệm quản lý thị trường bất động sản các nước trên thế giới, GS Đặng Hùng Võ kiến nghị cần phải xây dựng và hình thành được sắc thuế bất động sản phù hợp. Cần đánh thuế cao đối với trường hợp sử dụng nhà đất có diện tích lớn hơn mức phù hợp trong cuộc sống. Nếu không quyết đoán trong cải cách thuế bất động sản thì giá nhà còn tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước và đời sống của người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
GS Đặng Hùng Võ: Từ 2009 đến nay, trung bình cứ 10 năm giá bất động sản tăng gấp đôi, chưa bao giờ có tình trạng xuống giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO