Trạng thái giằng co là xu hướng chính của VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay. Dù lực bán không mạnh để thị trường giảm sâu, song lực cầu cũng không đủ lớn để giữ sắc xanh cho chỉ số.
Kết phiên, VN-Index giảm 0,01 điểm về 1.069 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện so với phiên trước khi giá trị giao dịch trên HOSE vượt 12.650 tỷ đồng, tăng gần 10% so với phiên trước.
Cổ phiếu đầu cơ hút tiền
(Chứng khoán Yuanta Việt Nam)
Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong phiên kế tiếp. Đồng thời, Yuanta đánh giá lạc quan về diễn biến thị trường ngắn hạn khi dòng tiền ngắn hạn đang rất tích cực dịch chuyển qua lại giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang thu hút dòng tiền rất mạnh trong thời gian gần đây.
Điều này cũng chứng tỏ rằng tính “đầu cơ” đang diễn ra và mặt bằng thanh khoản vẫn có thể duy trì ở mức cao. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mua mới.
(Chứng khoán MBS)
Về kỹ thuật, thị trường tiếp tục xuất hiện một cây nến thân nhỏ, đóng cửa quanh mốc tham chiếu - thể hiện sự giằng co trong biên độ hẹp. VN-Index đang có xu hướng tái tích lũy sau nhịp điều chỉnh ngắn hạn, mục tiêu giá hướng đến trong phiên tới là 1.076 điểm.
Thông tin CPI Mỹ có thể tác động đến tâm lý thị trường
(Chứng khoán Agriseco)
Quan sát đồ thị kỹ thuật, xu hướng thị trường chưa có sự thay đổi khi VN-Index tiếp tục tích luỹ trong biên độ 1.060 – 1.075 điểm. Đáng chú ý, thông tin CPI của Mỹ được công bố tối nay có thể gián tiếp tác động đến tâm lý thị trường phiên mai. Do đó, nhà đầu tư nên bám sát diễn biến chỉ số với hỗ trợ ngắn hạn tại mốc 1.055 điểm và kháng cự tại mốc 1.080 điểm.
Trong trường hợp lực cầu tham gia tốt, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng với nhóm điện, dầu khí và nông nghiệp hoặc những cổ phiếu trong danh mục tháng 4 của chúng tôi. Trái lại, nếu áp lực bán xuất hiện, nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ các mã đang ở vùng nền hỗ trợ, chưa vi phạm nguyên tắc cắt lỗ song cần hạ bớt tỷ trọng với những mã chạm kháng cự và thể hiệu sự suy yếu.
Áp lực điều chỉnh vẫn còn
(Chứng khoán CTS)
Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index duy trì ghi nhận diễn biến suy yếu trước áp lực điều chỉnh đang có chiều hướng gia tăng, hướng về kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 1.055 điểm. Tuy vậy, các diễn biến dài hơn như T+10 hay T+20 nhìn chung vẫn đang ghi nhận duy trì diễn biến đi lên tích cực, có khả năng nhịp điều chỉnh hiện tại vẫn mang tính chất kỹ thuật.
Chứng khoán VCBS
Về góc nhìn kỹ thuật, VN Index kết phiên tạo nến đỏ giảm điểm nhẹ dưới mốc tham chiếu thể hiện sự giằng co, cân bằng giữa bên mua và bên bán. Xét về khung đồ thị giờ, sau khi tạo đáy thứ nhất và bật nảy trong phiên hôm qua, 2 chỉ báo RSI và MACD đang suy yếu và có xu hướng quay trở lại tạo đáy thứ 2.
VCBS giữ nguyên quan điểm, VN-Index hoàn toàn có thể điều chỉnh trở lại để kiểm tra vùng hỗ trợ quanh 1.060. Nhà đầu tư nên bám sát thị trường tại vùng điểm này, nếu lực cầu quay trở lại thì sẽ là cơ hội tốt để gia tăng tỉ trọng đối với cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán, điện, bất động sản.