Thị trường diễn biến giằng co trong tuần qua trước việc cơ cấu của quỹ ETF Diamond và áp lực bán ròng của khối ngoại tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Lực bán có xu hướng hạ nhiệt dần qua các phiên, đồng thời lực cầu bắt đáy có sự tham gia chủ động hơn giúp VN-Index tìm lại điểm cân bằng.
VN-Index kết tuần tăng 2,17 điểm (+0,17%) so với tuần trước lên 1.254,89 điểm. Giao dịch khối ngoại ghi nhận bán ròng 7.890 tỷ đồng trên toàn thị trường với tâm điểm giao dịch thoả thuận hơn 5.000 tỷ tại mã VIB.
Đa số các chuyên gia đồng thuận thị trường đang thiếu đi lực đỡ và bước vào giai đoạn trống thông tin. Do đó đà tăng chưa thể sớm xác nhận và thị trường sẽ đi ngang thậm chí có những nhịp rung lắc. Nhà đầu tư cần giao dịch thận trọng.
Thị trường có thể phục hồi nhưng cũng còn dư địa để "rơi"
Theo quan điểm ông Bùi Văn Huy, Giám đốc điều hành CN TP. Hồ Chí Minh – CTCK DSC, Chủ tịch CTCP 1IB, bối cảnh thế giới có những biến động mạnh tương đối tiêu cực. Đối với thị trường Mỹ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh và đồng Dollar (DXY) cũng tương tự. VIX – chỉ số đo lường sự sợ hãi cũng ở mức rất cao, giá vàng neo cao và biến động mạnh. Ông Huy cho rằng không thể phủ nhận thị trường tài chính thế giới có những rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn này và tuần tới sẽ là tuần với nhiều sự kiện quan trọng. Quan trọng nhất là cuộc bầu cử ở Mỹ vào ngày 5/11 và cuộc họp của FED vào ngày 6-7/11 với khả năng sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất. Theo đó, thị trường tài chính thế giới sẽ có những biến động mạnh (theo cả chiều tích cực và tiêu cực).
Trong nước, thị trường hiện tại và có thể cả trong phần còn lại của tháng 11 đang trong trạng thái thiếu thông tin hỗ trợ sau mùa KQKD quý 3, những câu chuyện kỳ vọng như nâng hạng thị trường cũng dần dịch chuyển kỳ vọng trong năm sau, trong khi đó khối ngoại tiếp tục bán ròng. Trong bối cảnh đó, việc số lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong tháng 11 và tháng 12 có thể gây những lo ngại. Khả năng cao sẽ không có những hiệu ứng dây chuyền như hồi năm 2022 nhưng tác động đến thanh khoản thị trường là ít nhiều không thể phủ nhận. Thông tư 02 cũng sẽ đáo hạn vào cuối năm 2024, khi đó ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc hạch toán những khoản nợ xấu trong năm 2025.
Theo ông Huy, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý 3 đã suy giảm so với quý 2 liền trước; nếu thêm một quý suy giảm nữa, rủi ro sẽ là không nhỏ cho nhóm này, khi nhóm này đi ngược thị trường, tăng giá trong vài tháng trở lại đây.
Bàn về xu hướng thị trường trong tuần mới, chuyên gia đến từ DSC tỏ ra tương đối thận trọng trong bối cảnh thị trường thiếu lực đỡ. Các phiên hồi kỹ thuật sẽ diễn ra nhưng để xác lập đà tăng mạnh trong ngắn hạn là tương đối khó. Đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố liên thị trường bất ổn, DXY có một đoạn tăng giá nhanh lên vùng hiện tại, nếu DXY vượt 105, một nhịp bán ròng mạnh nữa của khối ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.
"Có nhiều thời điểm, chúng ta cần thừa nhận thị trường thiếu cơ hội ngắn hạn và giao dịch chán nản, khó dự đoán. Thị trường có thể dễ hồi phục trong trạng thái chán nản và thanh khoản thấp hiện tại, nhưng cũng vẫn còn dư địa để rơi", ông Huy đánh giá.
Kịch bản kỳ vọng nhất lúc này là thị trường đi ngang, tích lũy được thêm ở vùng 1.240-1.270 điểm với những phiên hồi xuất hiện xen kẽ. Để thị trường trở lại ngay xu hướng tăng là tương đối khó do thị trường có nhiều yếu tố khó đoán nên nhà đầu tư cần cởi mở ngay cả trong những kịch bản xấu hơn. Nếu tích lũy quanh vùng này, thị trường sẽ dễ thở hơn trong giai đoạn nửa sau tháng 11. Hiện tại các cổ phiếu lớn (VN30) có dư địa giảm nhiều hơn so với phần còn lại.
Ông Huy khuyến nghị nhà đầu tư không bi quan, nhưng cũng cần tỉnh táo và kiên nhẫn trong ngắn hạn. Nếu giao dịch ngắn hạn, NĐT vẫn có thể nắm giữ danh mục cổ phiếu, tuy nhiên ở mức độ vừa phải và tận dụng giai đoạn hiện tại để cơ cấu danh mục hiện tại hơn là kỳ vọng quá nhiều. Đối với kịch bản thị trường điều chỉnh sâu, các nhóm ngành ưu tiên có thể kể tới như Đầu tư công (Thép, Vật liệu xây dựng,…) hay Bất động sản Khu công nghiệp. Về dài hạn, nền kinh tế vẫn được kỳ vọng phục hồi lạc quan, do đó có thể xem xét đầu tư dài hạn các ngành hưởng lợi như Tài chính, Tiêu dùng, Bán lẻ, các doanh nghiệp sản xuất...
Vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect cho rằng thị trường vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực với bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2024 của thị trường cải thiện tích cực với doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ vượt trội so với mức tăng trưởng của 2 quý đầu năm (số liệu chốt đến ngày 1/11/2024 với 1.058 doanh nghiệp đã công bố báo cáo quý 3/2024, chiếm 97,5% vốn hóa toàn thị trường). Bức tranh kết quả kinh doanh tươi sáng hơn sẽ phần nào cải thiện định giá thị trường và hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư.
Đồng thời, áp lực tỷ giá được kỳ vọng có thể hạ nhiệt trong nửa sau của quý 4 khi Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất điều hành và nguồn cung ngoại tệ tăng lên dịp cuối năm nhờ dòng vốn FDI và kiều hối tích cực. Do đó, vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index. Các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ).
Theo ông Hinh, thực tế, trong những tháng gần đây, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.240-1.250 điểm và chốt lời khi VN-Index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả.