"Khi startup, thành công mới khó chứ mặc định là thất bại", đó là nhận định của ông Namster Đỗ - founder UPGen trong buổi trò chuyện với founder VnTrip - Lê Đắc Lâm. "Mà định nghĩa thành công cũng tương đối phức tạp, thành công đến đâu. Có những công ty thành kỳ lân rồi cũng thất bại. Tôi nghĩ để thành công là sự hội tụ, nên thất bại rất dễ, chỉ là không hội tụ đủ thôi". Theo ông Namster Đỗ, một startup để thành công cần hội tụ rất nhiều yếu tố, từ cơ hội, tài năng, thời điểm và cả may mắn. Có công ty khởi nghiệp làm rất tốt, chuẩn chỉnh, không có bước đi nào sai cả nhưng không may mắn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - điều nằm ngoài tầm kiểm soát của tất cả mọi người.
Thuộc thế hệ khởi nghiệp từ rất sớm tại Việt Nam, và hiện cũng đầu tư rất nhiều cho các startup, ông Namster Đỗ cho rằng vai trò của nhà sáng lập rất quan trọng trong giai đoạn đầu.
"Vậy founder cần hội tụ những yếu tố gì?", ông Lê Đắc Lâm đặt câu hỏi cho nhà sáng lập UPGen.
Điểm chung ở founder các công ty khởi nghiệp thành công, đầu tiên là khả năng lãnh đạo. Thứ hai là phải trung thực, bởi "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra", bạn có thể vẽ ra rất nhiều thứ nhưng cuối cùng bản chất cốt lõi nó vẫn là như vậy, không thể che giấu.
"Tại sao founder sẵn sàng làm 16-18 tiếng/ngày? Bởi có những con người tin vào năng lực của mình, đưa mình hàng chục, hàng trăm triệu USD thì việc làm cho người ta thất vọng là cái mình không chịu được, chứ không phải tiền. Mình nghĩ bản thân có năng lực nhưng có một người khác tin vào năng lực của mình đến nỗi đưa cả chục, trăm triệu USD thì mình không thể làm cho họ thất vọng được. Đó là động lực lớn hơn tất cả. Đôi khi đó cũng là cái tôi của bản thân", ông Namster nói thêm.
Đồng ý với những quan điểm của nhà sáng lập UPGen, ông Lê Đắc Lâm cho rằng cũng cần ở founder một chút năng khiếu, khả năng kinh doanh.
Dẫu vậy, không dễ để một người hội tụ được đầy đủ những yếu tố kể trên, do đó cần sự hợp lực của nhiều hơn một founder. Đó cũng là lý do ông Namster hay nhiều quỹ đầu tư lớn, nhỏ hiện nay thường hạn chế đầu tư vào công ty chỉ có một founder.
Ở một mặt khác, việc có nhiều nhà sáng lập cũng có thể trở thành thách thức với doanh nghiệp khi xảy ra mâu thuẫn. Đó là câu chuỵện không còn xa lạ ở Việt Nam, thậm chí từng xảy ra ở những tập đoàn lớn.
"Thống kê danh mục đầu tư của tôi, những công ty tôi đầu tư mà sau đó thất bại thì chưa bao giờ do chuyên môn, chưa bao giờ do cơ hội hay quản trị kém, mà luôn luôn do 2 nhà sáng lập có vấn đề với nhau. Lúc khó khăn thì rất đoàn kết, lúc mà cơ hội trước mắt, mọi thứ nhìn thấy rõ ràng, đi từ đường làng ra cao tốc rồi thì lại thất bại. Nên cho đến bây giờ, nếu bạn hỏi tôi một công thức để startup thành công ở Việt Nam thì thực sự khó, ở nước ngoài thì có thể nhìn thấy", ông Namster Đỗ chiêm nghiệm.
Ông Lê Đắc Lâm cũng đồng tình, cho rằng tại Việt Nam, mọi người thường rất đoàn kết lúc khó khăn, lá lành đùm lá rách nhưng đến khi thành công rồi thì cái tôi trỗi dậy, không đúng thời điểm.
Có những người khởi nghiệp sớm rồi không thể trở lại làm thuê
Khởi nghiệp đã trở thành phong trào được kêu gọi, thúc đẩy trong những năm vừa qua. Ông Lê Đắc Lâm cho biết bản thân cũng nhận được rất nhiều tin nhắn của các bạn trẻ, muốn xin lời khuyên để khởi nghiệp khi thậm chí chưa biết muốn khởi nghiệp gì, chưa có ý tưởng.
Nhà sáng lập VNTrip chỉ khuyến khích các bạn sinh viên khởi nghiệp khi bản thân cảm thấy không thể bỏ qua ý tưởng, cơ hội đó, và đặc biệt là phải có mentor tốt.
"Khi khởi nghiệp, không chỉ nói sinh viên mà người ra trường 10 năm cũng chủ yếu thất bại. Các bạn sinh viên chưa đi làm nhân viên, chưa xây dựng được kiến thức về văn hoá doanh nghiệp mà đã đi làm chủ. Phong trào khởi nghiệp cũng dẫn đến việc nhiều người sau này không trở lại đi làm thuê được nữa, cứ lông bông, lên không lên hẳn, xuống cũng không xuống được, bị lưỡng lự", ông Lê Đắc Lâm nhận định.
Ông Namster Đỗ cũng đồng tình: "Và không có đường ra, gần như không có lối thoát. Ở Việt Nam, mọi người thường đứng núi này trông núi nọ, áp lực “mình làm nhân viên mà đứa bạn mình nó làm founder”,… nên đẩy con người đi sớm quá. Người khởi nghiệp thành công năm 20 tuổi không có nghĩa giỏi hơn người khởi nghiệp thành công năm 50 tuổi. Chỉ duy nhất là cơ hội đến sớm hơn".