Sau hơn 1 năm ra mắt thị trường, doanh số chiếc xe nặng 6.600 pound Cybertruck có giá từ 82.000 USD thấp hơn đáng kể so với dự đoán của Elon Musk. Chất lượng tệ hại, với 8 lần thu hồi trong 13 tháng qua, biến đây trở thành trò hề lớn lịch sự kinh doanh của vị tỷ phú phố Wall.
Không chỉ đơn thuần giống những chiếc ô tô lố bịch doanh thu kém, Cybertruck còn là tâm điểm các cuộc biểu tình xoáy vào Tesla trên toàn cầu. Nguyên nhân đến từ phong cách làm chính trị có phần không được lòng số đông của Musk.
Nếu chỉ xét riêng về doanh số, Cybertruck của Musk thực sự tệ hơn nhiều so với Edsel - dòng ô tô của Ford vốn đã gắn liền với sự thảm họa. Ford hy vọng bán được 200.000 chiếc Edsel mỗi năm khi tung ra thị trường vào năm 1958, nhưng sau cùng chỉ trao tay được 63.000 chiếc. Doanh số giảm mạnh vào năm 1959, từng bước đưa thương hiệu này lâm vào cảnh phá sản vào năm 1960.
Musk từng dự đoán Cybertruck có thể đạt doanh số 250.000 chiếc mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm 2024, hãng chỉ bán được chưa đến 40.000 chiếc. Không có dấu hiệu nào cho thấy doanh số sẽ tăng trong năm nay, theo Cox Automotive.
Trong khi đó, doanh số chung của Tesla cũng giảm mạnh với lượng xe giao nhanh trong quý I/2025 giảm 13% xuống còn 337.000 chiếc - thấp hơn nhiều so với kỳ vọng đồng thuận là 408.000 xe. Công ty không công bố doanh số Cybertruck, vốn được gộp chung với Model S và Model X - phân khúc đắt nhất của hãng.
Rõ ràng, doanh số Cybertruck đã bị ảnh hưởng trong quý này sau bê bối thu hồi, Ben Kallo, một nhà phân tích vốn chủ sở hữu của Baird, cho biết. Kết quả kinh doanh của Cybertruck không hề giống như lời quảng cáo của vị doanh nhân tỷ phú này.
“Nhu cầu đang tăng vọt”, Musk từng nói như vậy trong báo cáo kết quả tháng 11 năm 2023, ngay trước khi những chiếc xe đầu tiên bắt đầu được giao đến tay khách hàng. “Chúng tôi có hơn 1 triệu người đã đặt trước chiếc xe”.
Trước đó, Tesla đã cải tiến nhà máy Gigafactory ở Austin để có thể sản xuất tới 250.000 chiếc Cybertruck mỗi năm. Khoản đầu tư đắt đỏ này được cho là khó có thể thu hồi trong một sớm một chiều.
Thực tế, Musk đã không tính đến những yếu tố cản trở doanh số bán hàng. Chiếc Cybertruck quá lớn và không tuân thủ quy tắc an toàn cho người đi bộ, do đó có rất ít cơ hội thúc đẩy doanh số bán hàng.
“Họ chưa bán được nhiều và trong trường hợp này, không có khả năng thị trường nước ngoài có thể cứu họ, ngay cả Trung Quốc, nơi rất quan trọng đối với xe Tesla”, Glenn Mercer, người đứng đầu công ty tư vấn GM Automotive có trụ sở tại Cleveland, cho biết.

Hơn 1 thập kỷ trước khi Cybertruck đi vào sản xuất, Musk ám chỉ rằng Tesla cuối cùng sẽ sản xuất một loại xe bán tải chạy điện đặc biệt, không đi theo lối thẩm mỹ thông thường. Ông tự hào phát biểu trước khán giả tại một hội nghị, rằng: “Xe bán tải vẫn vậy trong 100 năm qua nhưng Cybertruck thì khác nhé”.
“Sự thất bại thảm hại của Cybertruck là sự thất bại của sự đồng cảm”, Noble của CARLAB, công ty nghiên cứu người tiêu dùng, cho biết. “Mọi thứ từ cấu hình thùng xe đến cấu hình cabin, hiệu suất đều không phù hợp với các tài xế xe tải”.
Một người hiểu rõ về quá trình phát triển cho biết vẻ ngoài đặc biệt của Cybertruck xuất phát từ 2 động lực chính. Một là niềm đam mê của Musk đối với các thiết kế khoa học viễn tưởng. Hai là quyết định sớm tạo ra một chiếc xe không cần sơn.
Nếu không sơn xe, Tesla sẽ không cần lắp đặt một xưởng sơn mới trị giá 200 triệu USD. Hãng cũng không cần lo lắng về việc EPA giám sát khí thải độc hại và nước thải - vấn đề thường gặp tại khắp các cơ sở.
Cuối cùng, Musk chọn ngoại thất bằng thép không gỉ, giống như cách Delorean đã làm với chiếc xe thể thao xấu số của mình 4 thập kỷ trước. Musk quả thực chưa đánh giá được đầy đủ những thách thức mà vật liệu này đặt ra so với nhôm thông thường. Rất khó để uốn cong và thép luôn có xu hướng dễ trở lại hình dạng ban đầu.
“Họ làm vì không muốn chi 200 triệu USD cho một xưởng sơn. Tuy nhiên, để cố gắng đưa thép không gỉ vào hoạt động, Musk đã phải chi nhiều hơn thế”.
Glenn Mercer ước tính việc phát triển Cybertruck, bao gồm cả chi phí gia công để sản xuất tại Austin, có thể tiêu tốn của Tesla khoảng 900 triệu USD. Không giống như các loại xe khác như xe sedan Model 3 và xe crossover Model Y, có vẻ như Cybertruck không chia sẻ bất kỳ chi phí phát triển và sản xuất nào với các sản phẩm khác của Tesla.
“Liệu nhà máy có thể sản xuất tất cả những thứ khác dựa trên khoản đầu tư cho Cybertruck không? Không, không thể. Một chiếc xe bằng thép không gỉ chưa sơn không có nhiều sức ảnh hưởng rộng rãi đến thế”, Mercer nói.
Đã có điềm xấu ngay từ đầu.
Tại buổi ra mắt xe vào tháng 11/2019, trong một cuộc trình diễn về kính giáp chống vỡ của Cybertruck, thật nực cười khi quả bóng thép ném thử nghiệm khiến kính vỡ tới 2 lần.
“Ôi trời ơi. Chúng tôi sẽ sửa nó”, Musk nói và hứa rằng, phiên bản cơ bản của chiếc xe có phạm vi hoạt động 250 dặm sẽ có giá khởi điểm là 39.900 USD.
Hiện tại, phiên bản cơ sở, có giá từ 72.490 USD. Phạm vi hoạt động lên đến 325 dặm nếu bạn không kéo bất cứ thứ gì hoặc lái xe quá nhanh. Phiên bản Cyberbeast cao cấp nhất có giá 105.735 USD - quá đắt so với tài chính của nhiều người.
Cybertruck, chiếc bán tải điện đầy tham vọng của Elon Musk, đã thu hút sự chú ý ngay từ khi ra mắt với thiết kế táo bạo và những hứa hẹn về hiệu suất vượt trội. Tuy nhiên, đi kèm với sự đổi mới, hàng loạt sự cố liên tục được ghi nhận khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng và tính thực tiễn của sản phẩm.
Hồi tháng 10/2024, Tesla đã phải triệu hồi hơn 27.000 chiếc Cybertruck tại Mỹ do lỗi hiển thị camera chiếu hậu trong xe. Đây là đợt thu hồi lớn nhất đối với mẫu bán tải điện này kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2023 và ảnh hưởng tới hầu hết số xe bán ra tại Mỹ.
Trước đó ít lâu, Tesla cũng đã ban hành lệnh thu hồi với Cybertruck sau khi phát hiện bàn đạp ga của xe có thể bị kẹt. Mẫu xe này từng bị triệu hồi 2 lần vì cần gạt nước phía trước lớn của xe bị lỗi và một số bộ phận ở thùng xe có thể bị rơi ra khi đang đi.
Theo: Forbes