Mỹ có thể cân nhắc giảm thuế
Tại cuộc họp báo ở Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 2/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã công bố các mức thuế quan đối ứng đối với hàng hóa nhập vào Mỹ với mọi quốc gia.
Theo đó, mức thuế đối ứng đối với hơn 180 nền kinh tế sẽ từ mức 10 - 49%. Khoảng một nửa trong số này chịu mức thuế chung 10% từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn khác chịu thuế dao động từ 15% đến gần 50% từ ngày 9/4. Và Việt Nam nằm trong top các nền kinh tế chịu mức thuế đối ứng cao, lên đến 46%.
Ông Trump cho rằng, chính sách thuế quan mới nhằm giúp "Đưa nước Mỹ giàu có trở lại". Lãnh đạo của Hoa Kỳ cũng thừa nhận chương trình thuế quan có thể gây ra cú sốc ban đầu, nhưng tin rằng nó sẽ dần giúp kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn nhiều.

Mức thuế đối ứng mà Tổng thống Trump áp lên từng nền kinh tế, trong đó có Việt Nam (Ảnh: Truth Social).
Trước động thái này của chính quyền ông Trump, đã có nhiều quốc gia phản đối và cho rằng đây là chính sách thuế không công bằng. Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đưa ra tuyên bố: "Lời khuyên của tôi đối với mọi quốc gia hiện nay là đừng trả đũa. Hãy ngồi xuống, chấp nhận, chúng ta hãy xem tình hình diễn ra như thế nào. Bởi vì nếu trả đũa, căng thẳng sẽ leo thang".
Trong khi đó, ông Trump khẳng định, "thuế quan mang lại cho chúng ta sức mạnh to lớn để đàm phán". Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, "tất cả các nước đã gọi điện cho chúng tôi". "Mỗi quốc gia đều đang gọi cho chúng tôi. Đó là điều tuyệt vời mà chúng tôi làm được. Chúng tôi đã đặt mình vào vị trí người chủ động. Nếu chúng tôi yêu cầu các quốc gia này làm điều gì đó cho chúng tôi, họ sẽ từ chối. Giờ đây, họ sẽ làm bất cứ điều gì cho chúng tôi", ông Trump nói.
Trong một phát biểu trên chuyên cơ Air Force One vào ngày 3/4, một ngày sau khi thông báo thuế mới, khi được các phóng viên hỏi liệu điều đó có đồng nghĩa ông đang cân nhắc nhượng bộ hay không, Tổng thống Trump cho hay tùy thuộc vào tình hình.
"Nếu họ nói rằng sẽ mang đến cho chúng ta thứ gì đó thật phi thường, miễn là họ cung cấp cho chúng ta thứ gì đó tốt đẹp, (thì tôi có thể cân nhắc)". Tuy nhiên, ông không nói rõ liệu những "đề nghị phi thường" đó là gì.
Ông nhấn mạnh rằng, Mỹ có thể cân nhắc cắt giảm mức thuế quan dựa vào việc quốc gia khác giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại trong quan hệ với Washington.
Trong một bài chia sẻ trước đó của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, vị này cho hay, các mức thuế có thể được tránh đối với một số quốc gia nhờ vào các cuộc đàm phán thành công. Ông cũng nói thêm về các mức thuế đối ứng: "Nếu bạn giảm mức thuế này xuống 0, chúng tôi cũng sẽ làm vậy".
Liên quan đến sắc lệnh thuế mới của Hoa Kỳ, ông Ed Yardeni, Chủ tịch Yardeni Research cho biết: "Tôi hy vọng các mức thuế đối ứng này sẽ được đàm phán giảm xuống và không dẫn đến một cuộc chiến thương mại trả đũa kiểu những năm 1930. Chúng tôi hy vọng nghệ thuật đàm phán vẫn là động lực thúc đẩy Tổng thống".
Việt Nam làm gì trước chính sách thuế mới của Mỹ?
Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài với chính sách này.
Theo Thủ tướng, việc Mỹ áp thuế là chưa phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, cũng như mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng… Đồng thời, yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này.
Cùng với đó, ngay trong tuần này, Chính phủ sẽ cử đoàn công tác sang Mỹ có nội dung liên quan trực tiếp tới vấn đề áp thuế 46% với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Theo thống kê từ Tổng Cục Hải Quan, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa có trị giá 119,5 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 15,1 tỷ USD. Có 15 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó có 3 nhóm hàng áp đảo gồm máy tính và linh kiện với 23,2 tỷ USD (19,4%), Máy móc thiết bị với 22 tỷ USD (18,5%) và dệt may với 16,2 tỷ (13,5%).
Chính sách thuế mới này, các ngành chịu ảnh hưởng chính bao gồm hóa chất, tiêu dùng, thực phẩm, thép và vật liệu xây dựng. PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định: "Trong nguy luôn có cơ, quan trọng là cách ta xoay chuyển tình thế".
Đánh giá của TS Lại Lâm Anh (Trưởng phòng Nghiên cứu Hội nhập & Thể chế quốc tế, Viện Kinh tế & Chính trị Thế giới), Việt Nam có 3 cách để ứng phó với tình trạng hiện tại. Đầu tiên là Việt Nam cần tìm cách thúc đẩy nhập khẩu hàng hoá Mỹ, giúp cân bằng lại cán cân. Thứ 2 là Việt Nam nên có cách đàm phán mềm mỏng. Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao sự khác biệt trong các mặt hàng xuất khẩu tới Mỹ. .
Mặc dù hoàn cảnh có sự thay đổi nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi.