Đó là ACB đã giải ngân 700 tỷ đồng cho người trẻ vay mua nhà. Thông tin này được chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vào sáng 8/4.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng với các ngân hàng thương mại (NHTM) nghiên cứu và triển khai các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng trẻ, ACB là ngân hàng tiên phong công bố gói vay mang tên "Ngôi nhà đầu tiên".
Kết quả, chỉ sau 1 tháng triển khai, chương trình này đã thu hút đông đảo khách hàng dưới 35 tuổi tiếp cận và đăng ký vay mua nhà. Gói vay "Ngôi nhà đầu tiên" có lãi vay ưu đãi từ 5,5%/năm và thời hạn lên đến 30 năm dành riêng cho nhóm khách hàng trẻ.

Tổng Giám đốc ACB cho biết: "Trong 5 năm đầu, mỗi năm người vay chỉ trả 1% vốn gốc; 5 năm tiếp theo, mức trả vốn gốc 2% mỗi năm. Đây là chính sách hỗ trợ rất thiết thực, góp phần lớn vào quyết định mua nhà của nhiều người trẻ. Kết quả, ACB đã phê duyệt cho vay 700 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng đã được giải ngân, 200 tỷ đồng chuẩn bị chuyển giao cho người vay".
Trước đó, vào sáng 11/2, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, các NHTM nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhận định rằng, đa số người trẻ có chí tiến thủ, còn một khoảng đời dài để phát triển sự nghiệp. Hơn nữa, người trẻ thông thường sau khoảng 10 - 15 năm sẽ có thu nhập tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi, nên hầu như không có rủi ro cho các NHTM cho vay.
Hiệp hội này đề xuất NHNN xem xét xây dựng cơ chế cho người trẻ (18 - 45 tuổi) mua căn nhà đầu tiên được vay tín dụng với lãi suất thương mại hợp lý (khoảng 6 - 7%/năm được bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó) trong thời hạn 10 - 15 năm.
Khi câu chuyện Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới đang "làm nóng" khắp các nghị trường, Tổng giám đốc ACB trấn an các cổ đông và khẳng định, ngân hàng này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi biến động sắp tới.
ACB quyết tâm chinh phục mục tiêu giữa bão thuế quan?

Theo Tổng giám đốc ACB, sở dĩ tới giờ này ban lãnh đạo ngân hàng vẫn "bình tâm" là nhờ điểm tựa vững chắc nằm ở cơ cấu khách hàng. Cụ thể, có hơn 60% danh mục tín dụng của ngân hàng tập trung vào khách hàng cá nhân và gần 30% thuộc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đây được coi là "thành trì" kiên cố, ít chịu tác động trực tiếp từ các chính sách thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu quy mô lớn.
Đặc biệt, Tổng giám đốc ACB nhấn mạnh rằng, với thế mạnh ở phân khúc khách hàng cá nhân và SME, ACB sẽ giữ nguyên kịch bản tăng trưởng tín dụng đạt 16 -18%. Hơn nữa, sự phục hồi gần đây của tín dụng cá nhân và sự khởi sắc của thị trường bất động sản phía Nam được xem là những động lực quan trọng.
Tại ĐHĐCĐ, tiến trình bán vốn cho cổ đông chiến lược tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), công ty con của ngân hàng, được cổ đông quan tâm.
Về vấn đề này, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cho biết, ngân hàng đã tìm kiếm và làm việc với một số đối tác nhưng chưa phù hợp nên tạm thời dừng thương vụ này.
"Hiện tại, ACBS chưa có thế mạnh để IPO", Chủ tịch ACB cho biết.
Vì vậy, trong năm 2025 - 2026, ông Trần Hùng Huy cho biết ACB sẽ mở rộng danh mục sản phẩm và hoàn thiện năng lực tài chính để củng cố năng lực cạnh tranh của ACBS. Trên thực tế, vốn của ACBS tăng từ 7.000 tỷ lên 11.000 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh các sản phẩm quản lý đầu tư.
Tại đại hội, trong năm 2025, ACB đặt kế hoạch lợi nhuận 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2024. Ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 984.967 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Ngoài ra, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tại ACB dự kiến tăng 14% lên hơn 728.400 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng trưởng 16% lên gần 673.600 tỷ. ACB đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Tại ĐHĐCĐ, cổ đông đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2024, với tỷ lệ 25%, bao gồm 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt. Với phương án chia cổ tức này, vốn điều lệ của ngân hàng ACB dự kiến tăng từ 44.666 tỷ lên 51.366 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp ACB thực hiện chính sách cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trong năm tới, ACB dự kiến duy trì việc chia cổ tức 25%.
Trong năm 2024, tổng tài sản của ACB đạt gần 864.000 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng vượt mốc 537.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 15,1% và 11,3%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1%. Đây là một con số vượt xa mức trung bình của ngành trong suốt 9 năm liên tiếp. Ngoài ra, mảng tín dụng khách hàng doanh nghiệp bứt phá, với mức tăng trưởng 25%. Tỷ lệ nợ xấu của ACB được kiểm soát ở mức 1,49%.