Giữ trái phiếu của doanh nghiệp “bất ổn”, nhà đầu tư nên làm gì?

Quỳnh Anh | 08:28 21/10/2022

Nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp đang gặp tình trạng khó khăn như Tân Hoàng Minh, nhóm Vạn Thịnh Phát, FLC…, nhà đầu tư cần thực hiện 3 bước cơ bản để giảm thiểu thiệt hại.

Giữ trái phiếu của doanh nghiệp “bất ổn”, nhà đầu tư nên làm gì?
Nhà đầu tư cần xem xét kỹ hồ sơ, giấy tờ để đảm bảo quyền lợi của mình. (Ảnh: Zing News)

Nội dung chính:

Nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần tuân thủ các bước xem xét hiện trạng doanh nghiệp và tính pháp lý của trái phiếu mình nắm giữ. 

Cần bình tĩnh và thuê tư vấn, luật sư nếu cần thiết. 

Theo ông Lý Xuân Hải - chuyên gia tài chính ngân hàng, có 3 bước cơ bản các nhà đầu tư nên làm khi quyết định nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các doanh nghiệp có vấn đề về pháp lý, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn.

Đầu tiên, xem xét cẩn trọng hồ sơ phát hành trái phiếu, bản cáo bạch, hồ sơ mua trái phiếu và các tài liệu liên quan. 

Tất cả bản cáo bạch, hồ sơ phát hành đều có nội dung yêu cầu bên phát hành hay bên bảo lãnh mua lại, thanh lý tài sản đảm bảo khi đáp ứng một số điều kiện. 

Nhà đầu tư cũng nên kiểm tra kỹ những thông tin về điều kiện phát hành, tính chất trái phiếu, trái phiếu có đảm bảo hay không và đảm bảo bằng cách nào, quyền của trái chủ, nghĩa vụ mua lại trái phiếu và đơn vị đứng ra mua lại trái phiếu nếu xảy ra rủi ro. 

Mới đây, một doanh nghiệp đã thông báo mua lại trái phiếu trước hạn do đơn vị bảo lãnh thanh toán - Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức phát hành phải thực hiện mua lại trước hạn bắt buộc trong trường hợp người sở hữu trái phiếu có yêu cầu được quy định tại điều kiện trái phiếu.

Đây là sự kiện hy hữu trên thị trường TPDN, do những đợt phát hành thời gian qua ít áp dụng hình thức bảo lãnh thanh toán, nhất là được ngân hàng bảo lãnh. 

Có thể thấy, việc kiểm tra kỹ nội dung liên quan đến TPDN rất cần thiết, giúp nhà đầu tư bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp phát sinh sự cố liên quan đến lô trái phiếu. 

Các đơn vị tư vấn phát hành, bảo lãnh phát hành, đại lý phân phối và tổ chức phát hành trái phiếu phải cung cấp toàn bộ tài liệu kể trên một cách công khai. Qua đó, nhà đầu tư có thể tìm hiểu quyền và nghĩa vụ của mình, đơn vị phân phối và doanh nghiệp phát hành.

Lưu ý, nhà đầu tư cần biết loại trái phiếu đang nắm giữ được đảm bảo theo hình thức nào để xác định chính xác nguồn thu nợ và mức độ ưu tiên được trả. Người nắm giữ trái phiếu có bảo đảm luôn nhận được quyền lợi tốt hơn. 

Tài sản đảm bảo và các tài sản khác sẽ được thanh lý để thu nợ lần lượt theo quy trình trên. Sau khi trả hết cho chủ nợ có đảm bảo, số tiền còn dư sẽ trả cho các chủ nợ không đảm bảo theo tỷ lệ. Tương tự như vậy ở các bước tiếp theo. 

Thứ hai, đánh giá tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và những rủi ro hiện hữu/tiềm ẩn. 

Nhà đầu tư có thể tập hợp những người đang sở hữu cùng loại trái phiếu để chia sẻ chi phí, mời tư vấn pháp lý, tư vấn tài chính chuyên nghiệp.

Cuối cùng, hỏi trực tiếp người tư vấn tại các công ty chứng khoán, ngân hàng môi giới trái phiếu về khả năng thanh khoản của trái phiếu. Nếu tình trạng không tốt, nhà đầu tư nên quyết định cắt lỗ một cách dứt khoát, tránh những rủi ro và thiệt hại nặng nề hơn về sau. 

Đến nay, một số doanh nghiệp đã vướng vào vòng lao lý do vi phạm quy định về phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,... khiến trái chủ “mất ăn, mất ngủ”. 

Ngày 17/10 vừa qua, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã thông báo tổ chức các buổi làm việc chung với tổ chức phát hành trái phiếu và nhà đầu tư. TVSI còn đứng ra sắp xếp các cuộc gặp trực tiếp giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành trái phiếu nếu nhà đầu tư có nhu cầu. 

Hành động này diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính đang “hỗn loạn”, giúp bình ổn tâm lý nhà đầu tư, đồng thời, cho thấy trách nhiệm cần có của các tổ chức tham gia vào quy trình mua bán trái phiếu. 

Lý trí vì lợi ích chính mình

Theo chia sẻ từ ông Lý Xuân Hải, khi sự cố xảy ra, thái độ của nhà đầu tư là yếu tố quan trọng nhất. 

Nhà đầu tư phải bình tĩnh, không để cảm xúc ảnh hưởng đến các quyết định then chốt, không tranh thủ đầu cơ trục lợi, đồng thời, xem lại kỹ càng các bước kể trên. 

Hồ sơ phát hành trái phiếu luôn có quy định về Hội nghị người sở hữu trái phiếu. Các nhà đầu tư nên tổ chức, bầu Ban điều hành - đại diện nhà đầu tư làm việc với với tổ chức phát hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan. 

Tất cả nhà đầu tư cùng tài sản đảm bảo và mức độ ưu tiên phải đoàn kết vì quyền lợi, rủi ro là như nhau. Trước mắt, nhà đầu tư có thể thỏa thuận xử lý tài sản đảm bảo để thu về một phần tiền, sau đó tính toán phương án khác.

Nhóm nhà đầu tư nên thuê một công ty luật hoặc luật sư có kinh nghiệm cùng tham gia Ban điều hành và đàm phán thu nợ. Luật sư sẽ giúp họ hoàn thiện, củng cố hồ sơ, thu thập chứng cứ và tham gia tố tụng khi cần. 

Nhà đầu tư cần bàn bạc với luật sư để tìm ra giải pháp tối ưu.

Ngoài ra, nhà đầu tư nên hành động nhanh chóng và kịp thời trước khi diễn biến xấu hơn. Nếu doanh nghiệp làm thủ tục phá sản, các chủ nợ sẽ mất thêm rất nhiều thời gian, chi phí mà không đạt được nhiều lợi ích.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giữ trái phiếu của doanh nghiệp “bất ổn”, nhà đầu tư nên làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO