Hạnh phúc hay chỉ là sự hài lòng?
Theo Insider, không ít người dân Phần Lan đã tỏ vẻ khó chịu, đảo mắt và thở dài sau khi nghe về kết quả cuộc khảo sát. Một số ít thì tức giận khi được coi là những người "hạnh phúc nhất" thế giới.
"Chúng tôi không đồng ý với kết quả đó cho lắm. Nó ‘không thật’ tí nào," một nhà thiết kế nội thất giấu tên nói với Insider.
Heli Jimenez, làm việc tại Helsinki, Phần Lan, chia sẻ: "Không phải ‘hạnh phúc’, đáng lẽ nên là ‘mức độ hài lòng’. Hầu hết chúng tôi hài lòng với cuộc sống của mình, chỉ vậy thôi."
Một trong những nguyên nhân được cho là câu hỏi trong cuộc khảo sát.
"Họ gọi điện và chỉ hỏi xem liệu chúng tôi có thích cuộc sống của mình không. Chúng tôi chỉ nói rằng hiện không có vấn đề gì, họ có thể gọi lại vào ngày mai", một người dân địa phương nói về cuộc khảo sát.
Jennifer De Paola, nhà tâm lý học xã hội và chuyên gia về Hạnh phúc của người Phần Lan, đã chỉ ra: "Hầu hết những người tham gia khảo sát đều được hỏi về ‘mức độ hài lòng của bạn với cuộc sống hiện tại’. Các câu hỏi không hề đề cập đến hạnh phúc".
Bà nói: "Hạnh phúc liên quan nhiều hơn đến cảm xúc và cách mà cảm xúc được truyền đạt. Vì vậy, so với ‘hài lòng’ thì những hành động như mỉm cười, vui vẻ, hân hoan còn liên quan đến hạnh phúc hơn."
"Đương nhiên, cái tên Báo cáo Hạnh phúc Thế giới nghe hấp dẫn hơn nhiều so với việc gọi nó là Báo cáo về mức độ hài lòng cuộc sống", bà nói.
"Hài lòng" không phải hạnh phúc. Ảnh minh họa: Hanken.
Người Phần Lan không giống như những gì bạn nghĩ
Theo Insider, người Phần Lan không xem mình là những người đặc biệt hạnh phúc. Trên thực tế, họ không giỏi trong việc tạo ra bầu không khí lạc quan.
Người Phần Lan thường để lại ấn tượng là tuýp hướng nội và giữ mình. "Hãy tự lo việc riêng của mình" là một điều mà ông bà, cha mẹ ở Phần Lan thường nói với con cháu của mình.
Người dân tại quốc gia này cũng phải đóng mức thuế thu nhập cá nhân khá cao. Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một người lao động độc thân bình thường ở Phần Lan phải đối mặt với mức thuế suất trung bình (tỷ trọng thu nhập phải nộp thuế trong tổng thu nhập, chưa trừ các khoản chi phí phải khấu trừ) là 30,8% vào năm 2021.
Phủ nhận về việc "hạnh phúc", nhưng quả thật, phần lớn người Phần Lan hài lòng với những gì họ đang có.
Chính phủ Phần Lan tài trợ cho một trong những hệ thống phúc lợi mạnh mẽ nhất trên thế giới. Vào năm 2021, quốc gia Bắc Âu này đã chi 24% GDP cho bảo trợ xã hội — cao nhất so với bất kỳ quốc gia OECD nào khác trong năm đó. Dù nộp thuế cao, nhưng người dân nhận lại được rất nhiều.
Bên cạnh đó, họ cũng được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí cho tất cả cư dân — cho đến bằng Tiến sĩ. Quốc gia này cũng chi trả một phần chi phí chăm sóc trẻ em của các gia đình. Người lao động được hưởng 4 tuần nghỉ hè và 1 tuần nghỉ đông trong tổng số 13 ngày nghỉ lễ quốc gia.
De Paola cho biết: "Người Phần Lan được hun đúc ngay từ khi còn nhỏ rằng: Không nên chấp nhận điều kiện làm việc tồi tệ. Họ cần mức lương xứng đáng, thời gian làm việc - nghỉ ngơi hợp lý, có công việc phù hợp với khả năng của mình."
"Ví dụ, nếu bạn mất việc ở Phần Lan, nhà nước sẽ giúp đỡ cho đến khi bạn tìm được công việc mới. Bạn không cần phải quan tâm nhiều về tiền bạc trong quãng thời gian đó," Frank Martela, một triết gia và nhà nghiên cứu tại Đại học Aalto Phần Lan, cho biết.
"Nếu tôi mất việc, điều đó không ảnh hưởng đến việc học hành của con tôi, việc chăm sóc sức khỏe của vợ tôi hay bất cứ điều gì tương tự."
Họ cũng là tuýp người rất thực tế khi nhắc đến những khát vọng và ước mơ.
De Paola cho biết: "Không phải họ không có ước mơ. Chính xác là, họ ước mơ về những thứ có thể đạt được."
Một con phố sầm uất ở Helsinki, Phần Lan. Ảnh: peeterv / Getty
"Chúng tôi cũng có vấn đề"
Mặc dù giữ nguyên ngôi vị đầu bảng trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới suốt 6 năm, nhưng tất nhiên, Phần Lan cũng có những thách thức của riêng mình.
Chuyên gia tâm lý Meri Larivaara chỉ ra rằng, có một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến thanh thiếu niên.
Cũng như ở nhiều quốc gia, Phần Lan đã chứng kiến sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên trong thời kỳ đại dịch. Vào mùa xuân năm 2021, sự hài lòng với cuộc sống ở thanh thiếu niên đã giảm xuống. Trong khi các tín hiệu về lo lắng, trầm cảm và cảm giác cô đơn tăng lên so với năm 2019, theo một nghiên cứu trên tạp chí Sức khỏe Tâm thần và Tâm thần Trẻ em và Vị thành niên , trích dẫn nghiên cứu của Phần Lan.
Nhìn chung, các khiếu nại về sức khỏe tâm thần từ thanh thiếu niên Phần Lan đã gia tăng trong hai thập kỷ qua, theo báo cáo.
Phần Lan cũng có dân số già. Theo Population Reference Bureau, 21,9% dân số Phần Lan từ 65 tuổi trở lên. Đất nước này có tỷ lệ người già lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản và Ý.
Và tất nhiên, họ cũng đối mặt với sự phân chia giàu nghèo.
*Nguồn: Insider