Giới chức Mỹ đã bỏ sót tất cả 'red flag' về SVB: Ai là người gây ra vụ sụp đổ này?

Chi Lan | 07:52 14/03/2023

Theo các chuyên gia và nhà phân tích, việc Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ một phần là do sự giám sát lỏng lẻo của các cơ quan quản lý và việc Fed nới lỏng quy định cho các ngân hàng nhỏ vì cho rằng hoạt động của họ "không mang tính hệ thống".

Giới chức Mỹ đã bỏ sót tất cả 'red flag' về SVB: Ai là người gây ra vụ sụp đổ này?

Khi chính phủ Mỹ đang đưa ra những biện pháp để ngăn chặn những hậu quả từ vụ sụp đổ của SVB, sự chú ý đang đổ dồn về phía các cơ quan quản lý giám sát hệ thống tài chính. Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng làm thế nào mà ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ lại mong manh đến như vậy. Sự sụp đổ của SVB cũng nhanh chóng dẫn đến vụ đóng cửa nhà cho vay tiền số Signature Bank. 

Các cựu quan chức quản lý và chuyên gia chính sách tài chính cho biết hiện vẫn còn quá sớm để biết chính xác liệu sai lầm của các cơ quan chức năng lớn đến mức nào, đặc biệt là với cú sốc thanh khoản hiện tại và việc nguồn vốn của SVB vẫn tốt khi ngân hàng này sụp đổ. 

Tuy nhiên, theo Ian Katz - nhà phân tích chính sách tài chính tại công ty nghiên cứu Capital Alpha Partners, cho biết “đây là một ‘cú đấm’ đối với các cơ quan quản lý”. Ông nói rằng, những sự việc như thế này đáng lẽ không nên xảy ra và có thể mọi thứ sẽ chỉ tiếp tục. 

Ngay sau khi Fed công bố biện pháp cho vay khẩn cấp để hỗ trợ lĩnh vực ngân hàng, Gary Gensler - chủ tịch SEC, đã cảnh báo rằng cơ quan này sẽ “điều tra và đưa ra những hành động thực tế nếu phát hiện bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm luật chứng khoán liên bang.” 

Saule Omarova - giáo sư luật tại Đại học Cornell, nhận định rằng sự sụp đổ của SVB đã làm nổi bật “vấn đề lâu năm” với “hệ thống ngân hàng song hành” (dual banking system) của Mỹ - các ngân hàng tiểu bang và ngân hàng quốc gia được đặt quyền và giám sát ở các cấp độ khác nhau. Theo Omarova, trong sự phối hợp đó, một số dấu hiệu có thể đã bị bỏ qua. 

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng những dấu hiệu khiến SVB sụp đổ là cực kỳ rõ ràng. 

Các khoản tiền gửi tại SVB đã tăng với tốc độ chóng mặt. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 212 tỷ USD vào cuối năm 2022, so với mức 115 tỷ USD vào năm 2020. Aaron Klein, cựu phó trợ lý thư ký phụ trách chính sách kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết điều này đáng lẽ ra đã nằm trong “tầm ngắm” của các cơ quan quản lý. Một điều đáng chú ý là, gần 96% tiền gửi của SVB không được FDIC bảo hiểm, chỉ áp dụng cho các khoản trên 250.000 USD. 

Đối với Kathryn Judge, giáo sư tại Đại học Columbia ngành quy định tài chính, cho biết một “red flag cơ bản” khác đó là SVB quá phụ thuộc vào Hệ thống Ngân hàng Cho vay Nội bộ Liên bang (FHLBS) của San Francisco để huy động vốn, với khoản nợ chưa thanh toán lên tới 15 tỷ USD tính đến năm 2022 khi không có khoản vay nào vào năm trước. 

Bà Judge cho hay: “Chúng tôi luôn thấy rằng trước khi các ngân hàng rơi vào cảnh khó khăn, họ phải chật vật để tiếp cận các nguồn tài chính và tăng sự phụ thuộc vào FHLBS. Điều này càng đặt ra câu hỏi về việc Fed đã theo sát tình hình ở SVB đến mức nào.” 

Hơn nữa, những khoản lỗ cũng bắt đầu chồng chất, do ngân hàng này đầu tư vào trái phiếu dài hạn có lãi suất cố định. Danh mục này khiến SVB rất dễ bị ảnh hưởng khi lãi suất chuẩn tăng đột biến. 

Michael Ohlrogge - phó giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học New York, cho biết sự sụp đổ của SVB đã làm rõ “những điểm yếu” trong quy định của ngành ngân hàng Mỹ. Những rủi ro từ lãi suất cao đã khiến SVB lao đao. Tuy nhiên, các ngân hàng cần phải duy trì một quỹ để bù đắp các khoản lỗ tiềm ẩn với các chứng khoán thế chấp do chính phủ Mỹ phát hành.

Các chuyên gia cho rằng, những dấu hiệu cảnh báo của SVB có thể đã phát hiện từ trước, nếu không muốn nói là tránh được phần lớn, nếu các nhà lập pháp và cơ quan quản lý không nới lỏng quy định với các nhà cho vay nhỏ trong các năm gần đây. 

Việc huỷ bỏ đạo luật Dodd-Frank năm 2018 đã tạo điều kiện cho các ngân hàng có tài sản lên tới 250 tỷ USD không phải tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt nhất của Fed, bao gồm các bài kiểm tra sức chịu đựng cũng như yêu cầu về vốn, thanh khoản. 

Động thái này được coi là nền tảng cho nhiệm kỳ của ông Donald Trump, song nhiều người cảnh báo rằng các quy định được đưa ra để tránh các cuộc khủng hoảng trong tương lai có thể bị suy yếu. 

Ohlrogge nhận định, nếu đạo luật Dodd-Frank không bị huỷ bỏ, thì SVB sẽ có quỹ dự phòng hiệu quả hơn và ít có khả năng xảy ra tình trạng rút tiền gửi ồ ạt. Theo bà, Quốc hội thực sự phải chịu nhiều trách nhiệm vì đã huỷ bỏ quy định vào đúng thời điểm mà đáng lẽ ra Dodd-Frank phải được áp dụng nghiêm ngặt hơn. 

Năm 2019, Fed cũng đưa ra bước đi tương tự và đồng ý nới lỏng quy định cho toàn bộ ngân hàng trừ các nhà băng lớn nhất. Một cựu luật sư trong nhóm chính sách và quy định ngân hàng của Fed cho biết quyết định này được đưa ra dựa trên quan điểm cho rằng các ngân hàng lớn trong khu vực “không có tính hệ thống” và “không cần sự giám sát chặt chẽ về quy định”. Song, những gì diễn ra vào tuần trước cho thấy rằng họ đã sai. 

Tham khảo FT 


(0) Bình luận
Giới chức Mỹ đã bỏ sót tất cả 'red flag' về SVB: Ai là người gây ra vụ sụp đổ này?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO