Nội dung chính:
- - Cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) bị đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do công ty thua lỗ trong nửa đầu năm 2023.
- - Gilimex là trường hợp điển hình của dệt may Việt Nam: gia nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và phụ thuộc vào một khách hàng.
Ông lớn thương mại điện tử Amazon thay đổi chính sách bán hàng khiến một doanh nghiệp bên kia bán cầu mau chóng chịu thiệt hại.
Tháng 4/2022, Amazon Robotics (công ty con của Amazon) đột ngột thu hẹp các đơn hàng dù trước đó là đối tác đóng góp khoảng 85% doanh thu cho Gilimex - doanh nghiệp dệt may vốn hóa nghìn tỷ đồng tại Việt Nam.
Doanh thu của Gilimex nhanh chóng tụt dốc, giá trị hàng tồn kho tăng cao. Đỉnh điểm, sau khi báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 của Gilimex được công bố với mức lỗ 44 tỷ đồng, cổ phiếu của doanh nghiệp dệt may này bị đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).
Nỗ lực vực dậy nhưng chưa thành
Nửa đầu năm nay, Gilimex đạt doanh thu 426 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ. Công ty đồng thời báo lỗ sau thuế 44 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 223 tỷ đồng. Năm 2023, Gilimex đặt kế hoạch doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 104 tỷ đồng. Như vậy, công ty còn cách xa chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Cập nhật tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, đại diện Gilimex cho biết vụ kiện Amazon đã qua được bước quan trọng nhất là thụ lý hồ sơ, mục tiêu giải quyết dứt điểm trong năm 2023.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Gilimex đang xoay xở tìm kiếm các hướng đi mới. Hồi đầu năm, đại diện Gilimex cho biết đã bổ sung được khách hàng mới để bù đắp phần nào khoảng trống Amazon để lại. Theo tính toán, khách hàng mới sẽ mang lại giá trị tương đương 30% tổng doanh thu dự kiến của công ty trong năm 2023. Ngoài ra, Gilimex đã và đang lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp với mục tiêu tại mỗi miền có ít nhất một khu công nghiệp. Theo lãnh đạo công ty, mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận kể từ quý IV năm nay.
Gilimex báo lỗ trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn liên tiếp, từ suy thoái kinh tế, lạm phát đến sức cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường. Song với Gilimex, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình kinh doanh không mấy khả quan vẫn được cho là do việc hợp tác với Amazon bị gián đoạn.
Theo Bloomberg, Amazon là đối tác chính của Gilimex từ 2014. Trong giai đoạn dịch bệnh, thương mại điện tử bùng nổ, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng kho chứa hàng hóa cho Amazon, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị sản phẩm hàng năm. Hoạt động sản xuất cho Amazon tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm qua. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của gã khổng lồ thương mại điện tử, Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear và di dời các cơ sản sản xuất, đóng gói để tiếp tục sản xuất.
Một báo cáo của VCBS cho biết Amazon chiếm đến 85% doanh thu của Gilimex, 15% còn lại đến từ IKEA và các khách hàng khác.
10 năm qua, kết quả kinh doanh của Gilimex có nhiều biến động. Trong giai đoạn 2014-2017, doanh thu và lợi nhuận trồi sụt qua từng năm. Song kết quả kinh doanh được cải thiện rõ rệt trong giai đoạn 2018-2022 - thời kỳ bùng nổ của thương mại điện tử. Kể cả khi dịch Covid-19 bùng nổ, trong khi nhiều doanh nghiệp ngành dệt may khác điêu đứng, doanh thu và lợi nhuận của Gilimex vẫn không ngừng tăng và liên tiếp lập đỉnh. Chỉ đến khi Amazon thu hẹp các đơn đặt hàng vào tháng 4/2022, kết quả kinh doanh của Gilimex bắt đầu giảm và lợi nhuận của doanh nghiệp đã giảm về mức âm từ quý I năm nay.
Gặp khó ngay sau khi Amazon thay đổi chính sách, Gilimex đã gửi đơn kiện lên tòa án New York vào tháng 12/2022. Trong đơn, Gilimex tố cáo Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến nhà sản xuất này gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đồng thời yêu cầu Amazon bồi thường 280 triệu USD.
Bấp bênh của ngành dệt may Việt Nam
Mang lại hàng chục tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, ngành dệt may hiện đang chịu nhiều tổn thương vì sự sụt giảm nhu cầu trên phạm vi toàn cầu.
Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), doanh thu toàn bộ thành viên Tập đoàn trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 11% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế giảm 72%. Trong đó, lợi nhuận ngành may chỉ bằng 66% so với 6 tháng đầu năm 2022, ngành Sợi hầu hết các đơn vị đều thua lỗ.
Gilimex là câu chuyển điển hình của việc toàn cầu hóa, sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó tập trung vào một khách hàng duy nhất. Do đó, khi khách hàng này thay đổi chính sách, doanh nghiệp như Gilimex ngay lập tức rơi vào thế bị động, việc sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề.
Hiện tại, nguồn thu của ngành dệt may trong nước phụ thuốc chủ yếu vào xuất khẩu. Do đó, sức khỏe của ngành chịu tác động của tổng cầu thế giới, trong khi tổng cầu hiện phụ thuộc vào tăng trưởng, lạm phát và thu nhập của người dân.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 7 tháng chỉ đạt khoảng 19 tỷ USD, giảm hơn 15% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, khó khăn của ngành dệt may đến từ nhiều yếu tố, như ảnh hưởng của các cuộc xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu, kèm theo ảnh hưởng của hậu Covid, khiến cho sức mua toàn cầu giảm.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết tổng cầu thế giới sụt giảm, sự cạnh tranh để có đơn hàng ngày càng quyết liệt nên buộc nhiều doanh nghiệp phải nhận đơn hàng không phải thế mạnh để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, khách hàng.
Về triển vọng ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu nhận định: “Bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi khi những nhận định đều cho thấy khó khăn sẽ kéo dài, thậm chí đủ dài để sàng lọc và loại khỏi cuộc chơi những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh cũng như mức độ linh hoạt”.