Giảm lãi suất - chìa khoá giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp?

Dương Trang | 14:48 19/06/2023

Kể từ tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất. Đây là tín hiệu vui cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc giảm lãi suất này chưa tác động mạnh đến nền kinh tế và nó đang có độ trễ.

Giảm lãi suất  - chìa khoá giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp?
Việc giảm lãi suất là chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cầu yếu. (Ảnh: Int)

4 tác động đến kinh tế

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm tiếp một số lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng nội tệ đối với một số lĩnh vực ưu tiên, tất cả đều giảm 0,5 điểm %) có hiệu lực từ ngày 19/6/2023.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc một công ty sản xuất gạch ốp lát và gạch chịu lửa có trụ sở ở Hải Dương đang gồng mình để doanh nghiệp duy trì hoạt động. Ông cho biết, kể từ giữa năm 2022 đến nay, từ khi lãi suất cho vay tăng, doanh nghiệp đành giảm nhân sự và cố gắng duy trì sản xuất để guồng máy được hoạt động.

“Năm ngoài tôi vay với lãi suất 13%, hồi tháng 3 tôi vay ngân hàng lãi suất đã giảm đi chút ít – còn 11%. Nhưng với doanh nghiệp sản xuất mức lãi suất này là khá cao, vì chi phí nhân công, đầu vào đều tăng, trong khi đó hàng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều. Thời buổi này lợi nhuận phải được 20% mới có thể bù đắp nổi chi phí lãi vay, trong khi lợi nhuận hiện nay chỉ khoảng hơn 12%”, ông Bình than thở.

Có lẽ thực trạng này không chỉ diễn ra ở doanh nghiệp của ông Bình, mà hầu hết các doanh nghiệp lớn – nhỏ, từ sản xuất đến kinh doanh đều có chung một “nỗi niềm” như thế.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm tiếp một số lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 19/6/2023, được kỳ vọng sẽ là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV đánh giá sẽ có 4 tác động tới nền kinh tế và doanh nghiệp.

Một là, việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng. Qua đó, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Hai là, lãi suất giảm sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng lần này chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, bằng nội tệ đối với các lĩnh vực ưu tiên nên phạm vi ảnh hưởng chưa nhiều. Sau này, khi mặt bằng lãi suất chung có điều kiện giảm sẽ tác động tích cực đối với tất cả bên vay.

Ba là, động thái chính sách này đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực một phần lên thị trường chứng khoán và bất động sản. Cụ thể, nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỉ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về triển vọng phục hồi của chứng khoán hoặc chi phí mua bất động sản thấp hơn.

Chìa khoá giải quyết khó khăn?

Chuyên gia tài chính ngân hàng, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Động thái giảm một số lãi suất điều hành đã thể hiện sự linh hoạt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ.

Điều này vừa giúp lãi suất VND bớt căng thẳng, giảm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, vừa giúp nỗi lo lỗ tỉ giá của các công ty có vốn vay bằng USD cũng dịu bớt. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều đang trong xu hướng giảm, ngoài ra lạm phát cũng không quá căng thẳng.

“Do đó, NH Nhà nước hạ lãi suất điều hành là điều đương nhiên. Từ đây, tạo điều kiện để các NH giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Trao đổi với đại diện lãnh đạo Ngân hàng Techcombank, vị này cho biết, lãi suất huy động hiện nay đã giảm ở mức như hồi dịch Covid-19, tuy nhiên lãi suất cho vay vẫn giảm không đáng kể. Các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, mức lãi suất cho vay thấp hơn, nhưng điều kiện vay lại chặt chẽ, ngặt nghèo nên người dân và doanh nghiệp lại chuyển sang các ngân hàng tư nhân vay. Các ngân hàng tư lãi suất cho vay sẽ cao hơn các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, nhưng kinh doanh theo cơ chế thị trường, có thể họ sẽ điều chỉnh, tuy nhiên sẽ có độ trễ nhất định… và như vậy người dân và doanh nghiệp tiếp tục gặp rào cản trong việc tiếp cận vốn.

“Đến cuối năm, vốn tín dụng cho thị trường vẫn như thế này chắc chắn sẽ nhiều doanh nghiệp nữa đóng cửa và không ngoại trừ cả các ông lớn bất động sản cũng không thể cầm cự được”, vị lãnh đạo này nói.

Tuy nhiên, với khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhiều ý kiến cũng khẳng định, giảm lãi suất không phải là "chìa khóa" để giải quyết khó khăn.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng, việc giảm lãi suất là chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cầu yếu, đầu ra không có như hiện nay. Các chính sách tài khóa, hỗ trợ an sinh phải vào cuộc đồng bộ với chính sách tiền tệ (giảm lãi suất) thì mới có thể kích cầu đầu tư, tiêu dùng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, giúp doanh nghiệp thoát khó khăn.

Ngoài khó khăn của khu vực sản xuất, kinh doanh, sự khó khăn, bế tắc của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ hiệu quả cũng là nguyên nhân gây nên điểm nghẽn dòng tiền. Chỉ khi tất cả các mối rối này được gỡ, dòng tiền mới có thể luân chuyển, tín dụng mới có thể lưu thông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giảm lãi suất - chìa khoá giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO