Khủng hoảng ngân hàng đẩy giá dầu xuống đáy 15 tháng
Sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ do mất tính thanh khoản, đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính, có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.
Mới đây nhất, rủi ro thanh khoản tại Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ tiếp tục gây ra sự hoảng loạn trong phiên giao dịch ngày 15/03. Giá các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) của Credit Suisse, công cụ được sử dụng để bảo hiểm cho các khoản nợ đã đạt mức cao kỷ lục. Thị trường tài chính đã có những phiên chao đảo, và tâm lý tiêu cực cũng kéo giá dầu lao dốc bởi lo ngại nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trong điều kiện tăng trưởng kinh tế kém sắc.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), tâm điểm của thị trường hàng hóa đang hướng về đà giảm sâu của giá dầu. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 4 trên sở NYMEX kết phiên ngày 15/03 với mức lao dốc mạnh 5,22% xuống 67,6 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua. Dầu Brent kỳ hạn tháng 5 trên sở ICE cũng giảm 4,85% xuống 73,7 USD/thùng. Như vậy, chỉ sau chuỗi 3 ngày giảm liên tiếp, giá dầu WTI và dầu Brent đều đã sụt giảm gần 10 USD/thùng.
Sự lao dốc của giá dầu phản ánh bức tranh kinh tế khó khăn, đặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào lựa chọn sẽ tạm dừng tăng lãi suất, hỗ trợ thị trường hay tiếp tục tăng lãi suất, đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Cơ hội nào để giá dầu hồi phục
Tăng trưởng và lạm phát là bài toán mang tính đánh đổi. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 2 đã tăng chậm lại ở mức 6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 6,4% trong tháng 1. Tuy nhiên, chỉ số CPI lõi loại trừ biến động giá năng lượng và thực phẩm trong tháng 2 ghi nhận tăng 0,5% so với tháng trước, cao hơn dự báo ở mức 0,4%.
“Giá dầu giảm nhưng chi phí hàng hoá dịch vụ khác còn cao, tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Điều này vẫn gây ra lo ngại về lạm phát tại Mỹ và thúc đẩy việc thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, trước hàng loạt nguy cơ vỡ nợ từ ngân hàng, rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, Fed đang đứng trước lựa chọn khó khăn: tăng thanh khoản và ổn định tâm lý thị trường, nhưng có thể khiến lạm phát dai dẳng, hay vẫn tiếp tục tăng lãi suất để bình ổn giá cả. Đây sẽ là yếu tố chính quyết định xu hướng của giá dầu trong vài tháng tới”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam cho biết.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy hiện có khoảng 65% ý kiến cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 4,5 – 4,75% trong cuộc họp ngày 22/3, tăng mạnh từ tỷ lệ 0% chỉ một tuần trước đó. Nếu kịch bản này xảy ra, giá dầu có thể sẽ phục hồi trở lại bởi tâm lý tích cực Fed ưu tiên hỗ trợ thị trường.
Về dài hạn, giá dầu vẫn có dư địa tăng. Báo tháng tháng 3 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mới đây cho biết thị trường sẽ chuyển sang thâm hụt trong nửa cuối năm do nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc có thể đưa mức nhu cầu dầu toàn cầu đạt kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. Điều này khiến lạm phát tại các nền kinh tế lớn có thể còn dai dẳng, trong khi nguy cơ suy thoái gia tăng. Rủi ro trên thị trường tài chính lớn và biến động của giá dầu sẽ có tác động nhất định tới các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam cần theo sát cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ
Giá dầu hạ nhiệt sẽ góp phần làm giảm áp lực lạm phát cho nền kinh tế Việt Nam vì đây là đầu vào quan trọng cho sản xuất, tiêu dùng. “Các lĩnh vực sử dụng xăng dầu hàng đầu như giao thông, chiếm tới 9,67% trong quyền số tính chỉ số giá tiêu dùng CPI của nước ta, trong khi hầu hết hoạt động sản xuất cũng đều có sự đóng góp của mặt hàng này”, ông Quang Anh cho biết thêm.
Mới đây, từ ngày 15/03, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ra quyết định giảm lãi suất tái chiết khấu sau 2 đợt tăng trước đó, từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với Tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
NHNN nhấn mạnh không chủ quan với biến động giá cả trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5%. Lạm phát toàn cầu được dự báo duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng SVB phá sản tại Mỹ.
Trước bối cảnh này, Bộ Công Thương cần theo dõi biến động của giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu thô để có sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp trong kỳ điều hành giá tiếp theo. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất của Fed cũng như diễn biến của đồng USD cũng là các thông tin vĩ mô quan trọng mà các bộ ban ngành cần quan sát để đưa ra những thay đổi phù hợp với nền kinh tế trong nước.