“Eddy Hong – người sáng lập Nextrans tới Việt Nam từ năm 2007, sau đó trở lại vào năm 2014. Khi tôi gia nhập Nextrans năm 2015, ông ấy nói rằng chúng ta phải đến và làm gì đó ở Việt Nam”, Chris (Seung-Ho) Chae - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Nextrans của Hàn Quốc chia sẻ tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022).
“Lúc đó, tôi không biết lý do ông ấy nói vậy. Rồi tôi đến Việt Nam và tiếp xúc với các sinh viên Đại học Bách Khoa. Các em đưa ra bản demo sản phẩm, giới thiệu cách thức hoạt động, đồng thời bày tỏ những mong muốn, đề xuất với chúng tôi. Tôi thực sự bất ngờ bởi lúc đó các sinh viên Hàn Quốc chưa làm ra được sản phẩm như vậy”, ông kể lại.
Theo Giám đốc điều hành Nextrans, câu chuyện cho thấy Việt Nam “ẩn chứa điều gì đó” và người dân thực sự khát khao vươn lên.
“Lúc nào mọi người cũng nói về mục tiêu tự kinh doanh để thay đổi thế giới, thay đổi Việt Nam. Triết lý của tôi là con người có thể thay đổi thế giới, không phải tài nguyên thiên nhiên hay tiền bạc. Điều thực sự tuyệt vời là người Việt Nam luôn hướng đến cách cải thiện vấn đề”, ông Chris Chae nhận xét.
Sau khi xem xét khoảng 5.000 doanh nghiệp, Nextrans đã quyết định đầu tư vào hơn 30 startup triển vọng tại Việt Nam. Ông Chris Chae bày tỏ niềm tin trong vòng 10 năm tới, “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đang phát triển tốt nhất và tạo ra nhiều thay đổi, đặc biệt tại Đông Nam Á, cũng như châu Á – Thái Bình Dương”.
Tại buổi tọa đàm, nhà đầu tư người Mỹ Jeff Lonsdale cũng chỉ ra lợi thế về nguồn nhân lực của Việt Nam. Ông cho biết tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong số ít nơi các công ty công nghệ scale-up (tăng quy mô) mà không cần thuê những tài năng công nghệ từ bên ngoài.
Trong khi đó, bà Lê Hoàng Uyên Vy – Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Do Ventures bày tỏ niềm tin mãnh liệt rằng Việt Nam sẽ là trung tâm công nghệ tiếp theo của khu vực.
“Số lượng và chất lượng nhân tài đã gia tăng. Chúng tôi muốn hỗ trợ những nhà sáng lập có tầm nhìn mang tính toàn cầu. Các doanh nghiệp chúng tôi đầu tư đã phục vụ một lượng khách hàng nằm ngoài biên giới Việt Nam. Ngày càng nhiều nhà sáng lập ở Việt Nam đang cố gắng nắm giữ những công nghệ cốt lõi, nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh lâu dài, không còn là “copy and paste” (sao chép) như trước”, bà Vy chia sẻ.
Về nguồn vốn, bà cho biết ngày càng có sự gia tăng hợp tác của các tập đoàn và quỹ đầu tư. Các tập đoàn lớn như Masan hay FPT cũng đầu tư vào các doanh nghiệp non trẻ. Chính phủ cũng hỗ trợ tích cực, chẳng hạn như vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
“Tôi nghĩ đây là thời khắc tuyệt vời để các startup bay cao”, bà Vy nhận định.