Ông Dương Anh Vũ (sinh năm 1988, Ninh Thuận) là Giám đốc đại diện Văn Phòng Đông Nam Á của Bank of World Records - Đại sứ Trí tuệ của UNESCO-CEP. Ông là một trong 4 diễn giả của sự kiện chuyên đề “Hành trình sự nghiệp hạnh phúc” do VietnamWorks tổ chức tại Hà Nội.
Ông Vũ là người Việt đầu tiên xác lập 4 kỷ lục thế giới về siêu trí nhớ học thuật, và cũng là Trưởng ban Cố vấn Khoa học của chương trình Siêu Trí Tuệ Việt Nam. Dưới đây là trích lược câu chuyện chia sẻ của chính ông Vũ từ một học sinh học dốt tới mức phải học bổ túc, đến du học sinh xuất sắc và trở thành biểu tượng của siêu trí tuệ, với mong muốn các bạn trẻ có thể qua đó học cách tự lực khai phóng, thúc đẩy sự phát triển của bản thân, giúp ích cho sự nghiệp.
Hoài nghi mình dốt bẩm sinh, ngộ nhận bản thân thất bại
Có bạn hỏi tôi có nghi ngờ bản thân mình không? Tôi nghi ngờ chính tôi từ năm lớp 1. Tôi nghĩ những người chuẩn bị làm bố mẹ, hoặc đã làm bố mẹ cần lưu ý điều này.
Năm 1994, bị ném vào lớp 1, tôi rất ngỡ ngàng vì lớp có 40 đứa, tôi là đứa duy nhất không đánh vần được, chưa biết bảng chữ cái, không thuộc bảng cửu chương, trong khi bạn tôi đứa nào cũng biết. Với trí tuệ của một đứa 6 tuổi, tôi nghĩ tôi dốt. Không ai nói với tôi rằng “Con không biết điều này vì bố mẹ không cho con đi học trước”.
Cứ thử nghĩ khi bạn là một giáo viên trong lớp mà 39 đứa biết hết những kỹ năng cơ bản như vậy còn 1 đứa thì không, bạn không thể chăm chăm vào đứa trẻ không biết.
Sang lớp 2, tôi khẳng định tôi dốt thêm lần nữa, và lớp 3 thì tôi ở lại lớp. Lúc đó, tôi nghĩ tôi dốt bẩm sinh. Bạn có biết sự khủng khiếp của chúng ta không phải là sự khó khăn đang ở phía trước, mà là chúng ta ngộ nhận mình là một đứa thất bại.
Suốt cấp 1, rồi cấp 2, tôi là đứa thất bại, rơi vào trầm cảm. Sang cấp 3, không một trường phổ thông nào dám nhận tôi, tôi phải học bổ túc.
Theo học bạ lớp 7 của ông Dương Anh Vũ, năm học 2001 – 2002:
- Toán cả năm: 4,1
- Vật lý: 4,3
- Sinh học: 6,5
- Kỹ thuật: 5,7
- Văn: 4,1
- Tiếng Anh: 3,2
Trung bình cả năm 5,5
Học lực Học kỳ I: Yếu
Học lực Học kỳ II: Yếu
Học lực cả năm: Yếu
“Năm này, tôi thi lại. Trung bình mỗi năm, tôi thi lại một vài môn, và chắc chắn sẽ có môn tiếng Anh. Những môn tôi thường thi lại khác là Toán, Văn. Có một số năm tôi không thi lại, là bởi năm đó tôi lưu ban”, ông Dương Anh Vũ kể.
Khi không còn gì để mất, hoặc bạn nằm im chờ chết, hoặc phải leo qua bức tường đang cản mình
Đến năm lớp 11, tôi mới tự khai phóng bản thân mình: Hình như mình không dốt, mình chỉ đang ngộ nhận điều đó thôi. Và tôi làm lại từ đầu.
Lúc đó, tôi nghi mình đang mất kiến thức nền tảng, chứ thực ra tôi học rất siêng. Năm lớp 11, tôi dắt xe đạp đứng trước cổng trường cấp 2, chờ giáo viên ra để xin học thêm lại lớp 6.
Ngày đầu tiên đến lớp, mấy đứa trong lớp nghĩ tôi là người nhà giáo viên. Bọn nhỏ hay giỡn nhảy lên bàn ghế, giáo viên thời đó hay cho người nhà đến trấn an. Nhìn một anh lớn đến lớp, đứa nào đứa nấy im re.
Tôi ngồi cuối bàn. Lúc giáo viên vào mới giới thiệu rằng: “Anh Vũ học lớp 11 rồi, nhưng sẽ học cùng các con vì anh muốn lấy lại kiến thức nền”. Bọn nhỏ khi ấy cười khúc khích.
Ngày thứ 2 tôi đi học, tụi nó nhảy lên bàn giỡn và hét lên: “Thầy đến kìa tụi mày”. Tôi hận mấy đứa lớp 6, bọn nó rất kiên trì với trò đó, và đến ngày thứ 3 tôi tính bỏ cuộc.
Nhưng lúc đó tôi nghĩ giờ học bổ túc rồi, chẳng còn gì để mất. Khi không còn gì để mất thì hoặc nằm chờ chết, hoặc leo qua bức tường. Và tôi chọn hướng leo qua bức tường.
Học xong lớp 11, tôi mới được khai sáng là mình không dốt. Phần lớn thời gian tôi dành ở thư viện. Lúc ấy tôi mới cảm ơn vì mình học bổ túc. Chương trình bổ túc có 7 môn, 1 tuần học 3 buổi, những buổi khác tôi dành thời gian lên thư viện đọc sách. Tôi đọc ngấu nghiến, và lúc đó tôi được khai sáng thực sự.
Sau đó tôi xin vào lớp thầy Thạch (thầy Nguyễn Đức Thạch - giáo viên dạy Văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Ninh Thuận - PV). Thầy Thạch không dạy bổ túc, thầy dạy lớp chuyên. Tôi nghe người ta bảo thầy dạy văn hay lắm nên xin vào học. Tôi là đứa duy nhất học bổ túc ở lớp đó. Tôi không bao giờ dám kể cho đứa khác rằng mình học bổ túc, vì tụi nó toàn học trường chuyên. Tôi rất sợ người khác coi thường.
“Không ai quan tâm đến quá trình thành công của bạn, người ta chỉ quan tâm đến kết quả, thế nên đừng quan tâm người khác nghĩ gì”
Suốt cuộc đời tôi trước khi tôi thành công, thứ tôi sợ nhất là sợ bị người khác coi thường. Sợ khủng khiếp! Thầy Thạch biết tôi học bổ túc, nhưng không nói ra, và cũng biết tôi bị trầm cảm. Thầy từng chia sẻ trên truyền hình rằng “Thực ra nhiều lúc tôi rất muốn chửi nó, nhưng tôi sợ nó đi tự tử”. Thầy giúp tôi từ từ, và tôi đậu đại học sau đó.
Đậu đại học tôi vẫn bị trầm cảm. Bổ túc không có môn học tiếng Anh, mà cấp 1, cấp 2, năm nào tiếng Anh tôi cũng thi lại. Kiến thức tiếng Anh của tôi bằng 0. Tôi lại bắt đầu học lại, phấn đấu từ từ. Trước khi tốt nghiệp đại học, tôi được IELTS 7 chấm, và đi du học.
Làm sao một thằng tệ như Dương Anh Vũ, một thằng mà năm lớp 9, điểm Anh văn chỉ 2,2, một thằng khả năng học tệ như vậy sau khi tốt nghiệp đại học lại được học bổng du học? Tôi làm nghiên cứu sinh, lấy bằng Tiến sỹ tại Anh, học Thạc sỹ tại New Zealand. Bạn khó tưởng tượng ra đúng không?
Tôi cũng khó tưởng tượng. Giờ có thời gian nghĩ về quá khứ, giống như tôi hôm nay và tôi của quá khứ là hai con người khác hoàn toàn trong một cơ thể. Thậm chí, có ê kip truyền hình vô Ninh Thuận làm phóng sự về tôi, họ hỏi tôi từng bị chó cắn chưa? Từng bị sét đánh chưa? Tôi cam kết với các bạn tôi chưa từng bị chó cắn, chưa từng bị sét đánh.
Không bị chó cắn, làm sao tôi thay đổi được? Tôi phải nỗ lực từ từ, từ từ. Mọi người nhìn vào sự thành công của tôi thì bảo “Ô, kỳ lạ”, “Bất ngờ”, có nhiều bạn nghĩ đó là hiển nhiên. Các bạn đâu thấy mười mấy năm tôi nỗ lực? Các bạn chỉ thấy trước thằng đấy bất tài, sau thành công.
Hãy nhớ, không ai quan tâm đến quá trình thành công của bạn, người ta chỉ quan tâm đến kết quả. Thế nên, đừng quan tâm người ta nghĩ gì, bạn chỉ cần cố gắng và thu được kết quả tốt nhất!
“Triển lãm và Chia sẻ về Chuyên đề Hành trình sự nghiệp hạnh phúc” thuộc chuỗi sự kiện tái định vị thương hiệu của VietnamWorks trong năm 2022, được tổ chức ngày 29/10 tại TPHCM và 5/11 tại Hà Nội, góp phần truyền cảm hứng và chia sẻ câu chuyện để người lao động thêm vững tin để chinh phục hành trình sự nghiệp hạnh phúc.
Theo báo cáo VietnamWorks, 80% người lao động ở các cấp độ tham gia khảo sát cho biết họ có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới vào 6 tháng cuối năm 2022. Sau đại dịch, người lao động có xu hướng bắt đầu tìm kiếm một hành trình sự nghiệp đúng với đam mê, mang tới nhiều niềm vui, ý nghĩa với sự phát triển bản thân toàn diện, và đặc biệt đóng góp giá trị cho cộng đồng, xã hội.