Giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm đạt 14,66% kế hoạch

Nhật Đức | 17:23 05/05/2023

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm cả nước giải ngân đạt hơn 110.663,6 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm đạt 14,66% kế hoạch
Giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ 2022. Ảnh: VGP

Theo thông tin được công bố bởi Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công 4 tháng kế hoạch năm 2023 ước đạt hơn 110.663,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trong nước là 108.877,97 tỷ đồng và vốn nước ngoài đạt 1.755,6 tỷ đồng. Mức giải ngân chỉ đạt 14,66% kế hoạch và đạt 15,65% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%).

Theo đó, hiện có 3 bộ và 19 địa phương giải ngân trên 20%; đứng đầu là Đồng Tháp (38,3%), tiếp đến là Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%) và Phú Thọ (32,99%).

Ngoài ra, vẫn còn đến 47 Bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% kế hoạch, trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch. Một số Bộ Nghành vẫn còn có mức giải ngân thấp như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới giải ngân 0,25%; Bộ Giáo dục - Đào tạo giải ngân 1,1%; Bộ Khoa học và Công nghệ giải ngân 3,45%.

Trong số 63 tỉnh, thành phố, TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, mới đạt 3,48% kế hoạch vốn giao, tiếp đến là Đà Nẵng và Cao Bằng cùng đạt trên 6%.

Trong tháng 4, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các đoàn kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, qua đó nhận thấy một số vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân. Cụ thể, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.

Bên cạnh đó, một số dự án có nhu cầu chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án. Vì vậy, dự án không có vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư.

Tiếp đến, cần hỗ trợ các dự án chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng. Công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được phê duyệt. Thêm vào đó là vướng mắc do giá vật liệu xây dựng tăng, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trên cả nước, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23.3.2023 của Thủ tướng và công văn số 3593/BTC-ĐT ngày 14.4.2023 của Bộ Tài chính. bảo vệ môi trường và quy định về phương án thiết kế đối với dự án không có cấu phần xây dựng.


(0) Bình luận
Giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm đạt 14,66% kế hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO