Giấc mơ cấy chip vào não người điên rồ của Elon Musk: Tự chế tạo robot phẫu thuật, sẽ thực hiện hơn 22.000 cuộc giải phẫu vào năm 2030, chi phí mỗi ca 10.000 USD

Huệ Anh | 10:28 09/11/2023

Elon Musk tham vọng không tưởng với bộ não con người.

Giấc mơ cấy chip vào não người điên rồ của Elon Musk: Tự chế tạo robot phẫu thuật, sẽ thực hiện hơn 22.000 cuộc giải phẫu vào năm 2030, chi phí mỗi ca 10.000 USD
cover.png

Elon Musk đang chuẩn bị cho cột mốc quan trọng nhất đời mình: phẫu thuật cấy chip vào não người. Theo đó, công ty Neuralink của ông đang tìm kiếm một tình nguyện viên sẵn sàng chấp nhận phẫu thuật cắt bỏ một phần hộp sọ để robot có thể chèn một loạt điện cực và dây siêu mỏng vào sâu bên trong não. Một con chip với kích thước bằng ¼ đồng xu sẽ được đưa vào đây để thực hiện đọc, phân tích não, sau đó chuyển tiếp thông tin đến máy tính. 

Vì mục đích của cuộc thử nghiệm, ứng cử viên lý tưởng sẽ là một người trưởng thành dưới 40 tuổi bị liệt tứ chi. Thiết bị cấy ghép sẽ nằm ở vị trí vốn có chức năng điều khiển bàn tay, cổ và cẳng tay. Mục tiêu là chứng minh chúng có thể thu thập dữ liệu hữu ích từ não một cách an toàn - bước quan trọng trong nỗ lực của Neuralink nhằm chuyển đổi suy nghĩ con người thành các lệnh mà máy tính có thể hiểu.

Neuralink, theo phong cách quen thuộc của Musk, đưa ra nhiều lời hứa táo bạo. Người ta bắt đầu tưởng tượng về những phòng khám hiện đại, nơi bất kỳ ai cũng có thể đến thực hiện ca phẫu thuật robot kéo dài 15 phút. Những cỗ máy lai người có thể tải thông tin, đưa suy nghĩ vào kho lưu trữ hay thậm chí là lên những bộ não khác. 

“Điều này nghe có vẻ khá kỳ lạ, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ đạt đến sự cộng sinh với trí tuệ nhân tạo”, Elon Musk nói trong một tuyên bố về thử nghiệm trên người.

q2.png

Không giống tên lửa và ô tô, hoạt động cấy chip vào não người đòi hỏi tính hoàn hảo cao độ. Người ta không vội vàng đưa sản phẩm này ra thị trường, sau đó kỳ vọng vào những điều tốt nhất.

Synchron và Onward - hai đối thủ của Neuralink đã bắt đầu thử nghiệm cấy ghép não trong hơn 1 năm, song sức ảnh hưởng không thể lớn bằng Elon Musk. Một số nhà thần kinh học cho biết Neuralink đang thổi phồng công nghệ, hơn nữa thử nghiệm vô nhân đạo lên khỉ, lợn và các động vật có vú khác. Tuy nhiên, bản demo rất thú vị. Công ty dường như đã đạt được tiến bộ nhanh chóng và hiện đang chế tạo bộ cấy ghép não tinh xảo nhất hành tinh.

Nếu thành công, cuộc sống của hàng triệu các bệnh nhân bị liệt, đột quỵ, hoặc mất thính lực, thị lực sẽ thay đổi diệu kỳ. Danh tiếng lên cao cũng khiến Neuralink được săn lùng trong khi Elon Musk một lần nữa định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp.

Trong ba năm qua, Ashlee Vance, phóng viên tờ Bloomberg, đã 10 lần tham quan các cơ sở của Neuralink ở Thung lũng Silicon. Song song với những yêu cầu khắt khe của Musk, người phóng viên này đã được chứng kiến quá trình phát triển sâu sắc về công nghệ cũng như tham vọng vô cùng lớn của hãng. Áp lực phải thành công là điều mà ngay cả Musk cũng chưa từng thấy trước đây. 

q4.png

Lịch sử cấy ghép não bắt đầu từ tiến bộ công nghệ những năm 1990. Thách thức đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải thu thập và xử lý hàng tấn dữ liệu liên quan đến não người. Để tín hiệu được rõ ràng nhất, họ cần phải đặt các cảm biến càng gần tế bào thần kinh càng tốt. Một số cố gắng tránh phẫu thuật bằng cách giữ thiết bị bên ngoài hộp sọ, song khoảng cách quá xa khiến kết quả mang lại không mấy khả quan. Dữ liệu chính xác nhất thường đến từ các điện cực đặt ngay cạnh tế bào não.

Musk đồng sáng lập Neuralink vào năm 2016 với 7 nhà khoa học từ 100 triệu USD. Sự hào nhoáng trong khoản đầu tư cùng những hứa hẹn lớn lao trong tương lai khiến các nhà đầu tư mạo hiểm không thể cưỡng lại. Neuralink kể từ đó đã huy động được hơn 500 triệu USD, trong đó 280 triệu USD đến từ năm 2023. 

Mục đích của Neuralink và nhiều công ty tương tự là xây dựng được một thiết bị quét não có thể bước ra ngoài phòng thí nghiệm. Bộ cấy lý tưởng sẽ sở hữu khả năng tính toán vô địch, giúp ghi, nhập dữ liệu và truyền tải thông tin mạnh mẽ. Tất nhiên, chúng phải sử dụng ít năng lượng nhất có thể để cơ thể bệnh nhân không cảm thấy quá nóng. 

Bộ cấy của Neuralink nằm vô hình bên dưới da đầu, được trang bị đủ mã lực tính toán để xử lý các công việc vượt xa khả năng. Neuralink cũng đang nghiên cứu cấy ghép cột sống bổ sung nhằm khôi phục khả năng vận động và cảm giác ở những người bị liệt.

q1(1).png

 

“Mục tiêu ngắn hạn là xây dựng giao diện não tổng quát và khôi phục quyền tự chủ cho những người mắc bệnh thần kinh suy nhược. Mục tiêu dài hạn là cung cấp dịch vụ này cho hàng tỷ người, từ đó giải phóng tiềm năng sinh học của chúng ta”, DJ Seo, đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch kỹ thuật Neuralink nói và cho biết bộ cấy có hơn 1.000 điện cực để thu thập dữ liệu não. Hầu hết các thiết bị của đối thủ chỉ có 16. 

Theo Bloomberg, Neuralink tự sản xuất chất bán dẫn - một bước đi cực kỳ hiếm hoi trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế nhằm mục đích điều chỉnh năng lượng cho con chip. Một quán bar tại Austin đã được chuyển đổi thành trung tâm thử nghiệm và sản xuất mô cấy rộng hàng nghìn mét vuông. 

Điều quan trọng trong quá trình phẫu thuật là tránh tạo ra bất kỳ sự chảy máu hay mô sẹo nào trong não bệnh nhân. Để đạt được mục tiêu này, Neuralink đã chế tạo robot phẫu thuật của riêng mình. Sau khi bác sĩ cắt một lỗ nhỏ trên hộp sọ bệnh nhân, robot này sẽ thực hiện nhiệm vụ cực kỳ tinh vi là đặt các dây điện cực (hay còn được gọi là sợi chỉ) vào não. 

Khoảng 10 con robot Neuralink đã thực hiện 155 ca phẫu thuật như vậy trên cừu, lợn và khỉ vào năm 2021. Năm ngoái, số lượng ca phẫu thuật đã lên tới gần 300. Với đối tượng là con người, toàn bộ quá trình cắt hộp sọ dự kiến sẽ kéo dài vài giờ, sau đó mất thêm khoảng 25 phút để cấy ghép thực tế. 

Musk không ngừng thúc đẩy các kỹ sư của mình phải làm nhiều hơn, nhanh hơn. Robot phải thực hiện được các ca phẫu thuật trong thời gian ngắn nhất, lý tưởng nhất mà không cần đến sự trợ giúp của bác sĩ phẫu thuật. Ông cũng muốn các chuyên gia bán dẫn sáng tạo những kỹ thuật sản xuất đơn giản hơn, cho năng suất cao hơn. 

Văn hóa cứng rắn tại Tesla và SpaceX đã được đưa vào Neuralink để ép mọi người làm việc. Sự độc đoán khiến không ít chuyên gia rời đi. Một số nhân viên cũng thừa nhận đã thực hiện hỏng nhiều ca phẫu thuật trên khỉ, lợn và cừu khiến số lượng động vật chết nhiều hơn dự tính. Nguyên nhân là do Musk đã gây áp lực, buộc họ gấp rút tìm cách để FDA cấp phép.

q5.png

Tại một cuộc họp, Musk hướng tầm nhìn của mình tới Onward - công ty chuyên tạo ra các bộ phận cấy ghép nằm sát cột sống. Thiết bị của nó gửi các xung điện giúp phục hồi cơ bắp và hỗ trợ các bệnh nhân bị liệt có thể đi lại. Dáng đi có phần hơi gượng, song đối với gia đình các bệnh nhân, đó là cả một kỳ tích. 

Musk thích ý tưởng đó. Ông lên kế hoạch bắt đầu nghiên cứu bộ phận cấy ghép cột sống của riêng mình, sau đó kết hợp chúng với bộ phận cấy ghép não. Lần này, Musk vô cùng phấn khích.

“Nói chung, công ty cần phải tiến bộ nhanh hơn. Tiến độ đang chậm”, Musk nói. 

Theo Zack Tedoff, người đứng đầu bộ phận chip, các kỹ sư bán dẫn đã trang bị lại quy trình liên kết sợi chỉ theo lời khuyên của Musk. Tốc độ đúng là đã tăng lên 50% trong khi các khiếm khuyết giảm xuống. 

“Mọi người trong công ty đều khá áp lực và sợ hãi, đến mức rất nhiều người đã bỏ việc vì không thể tiếp tục”, một nhân viên Neuralink giấu tên cho biết.

Neuralink ngay lập tức nhận được sự quan tâm từ hàng nghìn bệnh nhân tương lai. FDA cũng đã bật đèn xanh cho phép công ty thực hiện các thử nghiệm cấy ghép bổ sung vào năm 2024 mà không cần thời gian đánh giá kéo dài 1 năm nữa. Theo đại diện Neuralink, sự chấp thuận này chính là một bước tiến quan trọng giúp công nghệ của hãng giúp đỡ được nhiều người hơn. 

Ước tính mỗi ca phẫu thuật cấy ghép sẽ tiêu tốn khoảng 10.500 USD. Doanh thu hàng năm rơi vào khoảng 100 triệu USD.

Chia sẻ với Bloomberg, Neuralink dự tính sẽ thực hiện 11 ca phẫu thuật vào năm 2024, 27 ca vào năm 2025 và 79 ca vào năm 2026. Nếu thuận lợi, 22.204 ca phẫu thuật sẽ được thực hiện vào năm 2030. Động lực đến từ việc duy trì khả năng cạnh tranh của con người với siêu trí tuệ nhân tạo.

q3.png

“Chúng ta cần phải đạt được thành tựu trước khi AI tiếp quản thế giới”, Elon Musk nói và cho biết bản thân rất tin tưởng vào sự an toàn của các thiết bị cấy ghép não, đến mức ông sẵn sàng cấy chúng cho con mình.

Dĩ nhiên, tính an toàn của các dự án Neuralink vẫn được FDA đặc biệt quan tâm, chẳng hạn như rủi ro các sợi chỉ di chuyển tới khu vực khác của não. Theo Victor Krauthamer, cựu quan chức FDA, điều này có thể gây viêm nhiễm, làm suy giảm chức năng ở các vùng quan trọng của não và gây vỡ mạch máu. 

“Các sợi dây hoàn toàn có thể gây ra tổn thương vì não rất mềm và mong manh”, ông nói. 

Ngoài ra, đặc tính pin của thiết bị cũng dấy lên một số lo ngại. Chỉ cần bất kỳ thành phần nào của thiết bị kết nối với dòng điện của pin bị trục trặc, dòng điện có khả năng làm hỏng mô não. Khả năng tháo gỡ thiết bị an toàn khỏi não cũng là một câu hỏi mà các nhà chức trách đặt ra. 

Một cuộc phẫu thuật thất bại có thể khiến Neuralink thụt lùi nhiều năm. Tuy nhiên, nếu những gì Elon Musk trông đợi có thể thành hiện thực, thế giới sẽ có thể khám phá tiềm năng vô hạn của con người. Tương lai ngành y khoa cũng từ đó mà được khai sáng. 

Theo: Bloomberg Businessweek


(0) Bình luận
Giấc mơ cấy chip vào não người điên rồ của Elon Musk: Tự chế tạo robot phẫu thuật, sẽ thực hiện hơn 22.000 cuộc giải phẫu vào năm 2030, chi phí mỗi ca 10.000 USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO