Giá xuất khẩu tăng vùn vụt 6 tháng liên tiếp, một loại hạt của Việt Nam tràn ngập thị trường quốc tế mang về gần 3 tỷ USD, giữ vững vị trí nhà xuất khẩu thứ 2 thế giới

Khánh Vy | 07:39 02/09/2023

Giá xuất khẩu mặt hàng này ước đạt gần 3.000 USD/tấn trong tháng 8, tăng 4,8% so với tháng 7 và tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá xuất khẩu tăng vùn vụt 6 tháng liên tiếp, một loại hạt của Việt Nam tràn ngập thị trường quốc tế mang về gần 3 tỷ USD, giữ vững vị trí nhà xuất khẩu thứ 2 thế giới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của nước ta ước đạt 90.000 tấn, kim ngạch đạt 267 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước tính vào khoảng 1,2 triệu tấn, trị giá hơn 2,97 tỷ USD, giảm 4,9% về lượng nhưng tăng 3,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, xuất khẩu cà phê năm nay có thể đạt 4 tỷ USD.

Mặc dù lượng suy yếu, song giá cà phê xuất khẩu, đặc biệt là cà phê Robusta – chủng loại cà phê chủ lực của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh thời gian qua.

Ghi nhận mức cao mới trong tháng 8, giá xuất khẩu cà phê Việt Nam ước đạt 2.963 USD/tấn, tăng 4,8% so với tháng 7 và tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu trung bình đạt 2.459 USD/tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, trong 7 tháng năm 2023, Đức là thị trường nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam với 137.446 tấn, đạt 300,5 triệu USD, giảm lần lượt 8% về lượng và 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Italy lại ghi nhận đạt 106.475 tấn và 234,5 triệu USD, tăng 27,5% về sản lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng sau là thị trường Mỹ với 86.546 tấn, đạt 202,3 triệu USD, tăng 20,5% và 16,3%…

Xuất khẩu cà phê sang thị trường Thái Lan đạt 16.616 tấn với kim ngạch 58,08 triệu USD, tăng 11% về lượng nhưng tăng mạnh 52,28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu bình quân vào thị trường Thái Lan trong 7 tháng đầu năm đạt 3.495 USD/tấn, tăng mạnh 952 USD/tấn (tương đương với 37,4%) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 44,4% so với giá xuất khẩu cà phê trung bình của cả nước.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Đức, Tây Ban Nha, Bỉ giảm, nhưng xuất khẩu sang Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Angiêri, Hà Lan, Mexico tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021-1/2022), chỉ xếp sau Brazil.

Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, tổng diện tích cà phê của Việt Nam tính đến hết năm 2022 đạt 710,66 nghìn ha. Cà phê Việt Nam được trồng trên 19 tỉnh khắp cả nước nhưng chủ yếu tập trung tại 5 tỉnh Tây Nguyên, chiếm 91,2% tổng diện tích cả nước.

xuat-khau-ca-phe20230818102913.jpg

Đến nay, mặt hàng cà phê Việt Nam đã có mặt ở 37 thị trường chủ yếu, trong đó có 27 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 8 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Ngành cà phê Việt Nam đang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.

Theo Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam, giá cà phê tăng liên tục là do cung không đủ cầu. Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.

Bên cạnh thuận lợi, mặt hàng này cũng đối diện khó khăn khi nguồn cung trong nước giảm. Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60kg/bao). Đặc biệt, Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới song thu hoạch niên vụ này thấp nhất trong 4 năm qua, do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn, nông dân có xu hướng chuyển sang cây trồng có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng, chanh dây...


(0) Bình luận
Giá xuất khẩu tăng vùn vụt 6 tháng liên tiếp, một loại hạt của Việt Nam tràn ngập thị trường quốc tế mang về gần 3 tỷ USD, giữ vững vị trí nhà xuất khẩu thứ 2 thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO