Tờ CNBC cho biết giám đốc đầu tư (CIO) của Swiss Asia Capital, ông Juerg Kiener nhận định giá vàng có thể lên đến 4.000 USD/ounce trong năm 2023 do lãi suất tiếp tục tăng và nỗi sợ về một cuộc suy thoái lan rộng khắp thị trường.
Cụ thể, ông Kiener trả lời trong chương trình “Street Signs Asia” của CNBC rằng giá vàng có thể lên đến 2.500-4.000 USD/ounce trong năm tới. Vị giám đốc đầu tư này nhận định giá kim loại quý này trong năm tới sẽ không chỉ tăng 10-20% mà sẽ có một bước tiến lớn phá kỷ lục lịch sử.
Theo Kiener, nhiều nền kinh tế sẽ phải đối mặt với suy thoái nhẹ trong quý I/2023, khiến các ngân hàng trung ương kìm hãm đà tăng lãi suất và hệ quả là vàng ngay lập tức trở thành loại tài sản trú ẩn đầy sức hút với nhà đầu tư. Thêm nữa, vàng cũng là loại tài sản duy nhất trên thế giới hiện nay mà mọi ngân hàng trung ương đều dự trữ.
Số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy các ngân hàng trung ương đã mua vào 400 tấn vàng tại quý III/2022, gần gấp đôi so với mức kỷ lục cũ là 241 tấn vàng cùng kỳ năm 2018.
“Kể từ thập niên 2000 đến nay, mức lợi suất bình quân của vàng tính theo bất kỳ tỷ giá đồng tiền nào cũng đều ổn định trong khoảng 8-10%/năm. Bạn sẽ chẳng thể làm được điều đó với thị trường chứng khoán”, ông Kiener nói.
Thêm nữa, vàng được đánh giá là một loại tài sản chống lạm phát tốt khi giá cả tiêu dùng tại nhiều nước vẫn đang khá cao, khiến các nhà đầu tư tìm kiếm những tài sản trú ẩn.
“Vàng là một loại tài sản chống lạm phát tốt cũng như đề kháng được với tình trạng suy thoái, bởi vậy chúng rất đáng được thêm vào danh mục đầu tư”, CIO Kiener nhận định.
Không đồng ý với dự đoán trên, chuyên gia phân tích Kenny Polcari của Slatestone Wealth cho rằng giá vàng sẽ không thể tăng hơn 100% trong năm 2023 được.
“Tôi không cho rằng vàng có thể lên đến mức 4.000 USD/ounce dù tôi rất thích nhìn thấy điều đó”, ông Polcari nói.
Theo đó, vị chuyên gia phân tích này dự đoán giá vàng sẽ loanh quanh ngưỡng kháng cự 1.900 USD/ounce và sẽ phụ thuộc vào tình hình lạm phát diễn biến như thế nào trước đà tăng lãi suất trên khắp thế giới hiện nay.
“Tất nhiên là tôi rất thích vàng và chúng nên là một phần của danh mục đầu tư. Thế nhưng dù giá vàng sẽ đi lên thì tôi vẫn không nghĩ mức giá 4.000 USD/ounce là hợp lý”, ông Polcari khẳng định.
Trong phiên 20/12/2022, việc Nhật Bản xem xét lại chính sách tiền tệ đã góp phần khiến đồng USD giảm nhẹ trên thị trường quốc tế và đẩy giá vàng tăng lên. Kim loại quý này đã tăng giá 1% để vượt mức 1.800 USD/ounce, thế nhưng lại giảm sau đó khi đồng USD hồi phục trong phiên 21/12.
Người mua Trung Quốc
Cũng theo Kiener, thị trường sẽ không có chuyện khan hiếm nguồn cung do nhu cầu quá cao.
“Sẽ luôn có nguồn cung vàng nhưng có thể ở mức giá mà bạn không hề thích”, ông Kiener nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dù giá có cao đến đâu thì vẫn không là gì so với người mua Trung Quốc, thị trường đang rất khát vàng.
Đầu tháng 12/2022, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tuyên bố chi 1,8 tỷ USD mua vàng cho kho dự trữ chiến lược, đưa tổng giá trị dự trữ vàng của nước này lên 112 tỷ USD.
“Châu Á đang trở thành người mua lớn nhất trên thị trường. Nếu bạn nhìn vào tổng giao dịch thì vàng đang dần được dịch chuyển sang Châu Á”, ông Kiener nhận định.
*Nguồn: CNBC