Theo khảo sát của MarketTimes, tuần qua (từ ngày 23-29/5) thị trường lợn hơi có biến động nhẹ ở một vài tỉnh thành trên cả nước, mức giao dịch quanh ngưỡng từ 53.000 – 59.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi đang đi ngang
Cho đến ngày hôm nay (30/5), trên cả 3 miền giá lợn hơi tiếp tục đi ngang so với hôm qua.
Hiện giá lợn hơi được thu mua trong khoảng 54.000 - 60.000 đồng/kg. Cụ thể:
Ở miền Bắc: Tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình giá lợn hơi ở mức 57.000 - 58.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định giá lợn hơi được thu mua với mức 56.000 đồng/kg.
Ở miền Trung - Tây Nguyên: Tại tỉnh Lâm Đồng giá lợn hơi đang ở mức cao nhất toàn miền 57.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận giá lợn hơi ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế giá lợn hơi đang được thu mua với mức 54.000 đồng/kg.
Ở miền Nam: Tương tự 2 miền trên, giá heo hơi tại miền Nam cũng đi ngang so với hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu giá lợn hơi được thu mua với mức 60.000 đồng/kg.
Các địa phương như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng giá lợn hơi đạt mức 57.000 - 58.000 đồng/kg.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An giá lợn hơi đang ở mức 56.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá lợn hơi hôm nay tăng - giảm trái chiều trong khoảng 1.000 đồng/kg tại miền Nam. Hiện tại, giá khảo sát ở các tỉnh thành dao động trong khoảng 54.000 - 60.000 đồng/kg.
Dự báo giá lợn hơi tuần này tiếp tục biến động trái chiều do ảnh hưởng của giá thành thức ăn chăn nuôi.
Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22% khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Tìm giải pháp giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu
Để giảm phụ thuộc nhập khẩu về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, các bộ ngành cần nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách mới.
Chưa bao giờ ngành chăn nuôi chứng kiến giá thức ăn chăn nuôi tăng "phi mã" như thời gian qua. Nhiều nguyên nhân được nêu lên như biến động thị trường, dịch bệnh… Giá thức ăn đầu vào trở thành một gánh nặng lớn với người sản xuất các sản phẩm chăn nuôi.
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vấn đề quan trọng là phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu. Các bộ, ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá cả các mặt hàng tăng cao thời gian qua, trong đó có vật tư nông nghiệp, là vấn đề toàn cầu liên quan tới đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực kiểm soát tình hình, hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu, vật tư có tính chất chiến lược; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo không bị ách tắc, ép giá; nghiên cứu chính sách điều chỉnh thuế, phí…
Thời gian tới, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên qua sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ về giải pháp sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào.
Cụ thể, Bộ sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán - người mua. Vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm nên nếu tính toán tỉ mỉ hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân, chia sẻ với Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng đang hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức sản xuất ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu sản phẩm, an toàn thực phẩm; hỗ trợ và phát triển chế biến và đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn.
Tổ chức quản lý chặt chẽ không để tái đàn, tăng đàn lợn chăn nuôi trong thời điểm có dịch, vùng có dịch, nhất là tại địa bàn các xã đang còn ổ dịch tả lợn châu Phi.
Việc tái đàn chăn nuôi chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Yêu cầu tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện kê khai ban đầu với chính quyền cơ sở trước khi tái đàn, tăng đàn theo quy định...