Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, Hòa Phát đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng lần thứ 2 trong tháng 10. Cụ thể, thép cuộn CB240 và thép thanh văn D10 CB300 nhích thêm lần lượt 100.000 đồng và 210.000 đồng lên lần lượt 13,58 và 13,79 triệu đồng một tấn. Riêng thép thanh vằn đã có lần thứ ba tăng giá liên tiếp từ giữa tháng 9 tới nay với biên độ 460.000 đồng một tấn.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu “quốc dân” Hòa Phát (HPG) bất ngờ được nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh trong phiên 8/10. Khối lượng đạt gần 5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng khoảng 137 tỷ đồng. Con số này giúp giá trị mua ròng của khối ngoại tại HPG lũy kế từ đầu tháng 10 chuyển từ âm sang dương hơn trăm tỷ đồng.
Đồng thời, đây cũng là một tín hiệu tích cực đối với cổ phiếu đầu ngành thép sau khi bị khối ngoại “xả” ròng hơn 5.000 tỷ trong 4 tháng trước đó.
Việc khối ngoại đảo chiều mua ròng cổ phiếu HPG diễn ra trong bối cảnh Hòa Phát liên tiếp đón nhận nhiều thông tin “đáng mừng” thời gian gần đây.
Sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố kế hoạch tung ra gói kích thích tiền tệ lớn và quan trọng nhất kể từ thời Covid để ngăn chặn sự lao dốc không phanh của thị trường nhà ở, giá thép thế giới ngay lập tức tăng nóng. Giá thép thanh tương lai đã tăng hơn 20% trong vòng 2 tháng lên gần 3.400 CNY/tấn, ghi nhận mức cao nhất trong hơn 3 tháng.
Theo Chứng khoán MB (MBS), giá thép có thể tiếp tục phục hồi dự báo chủ yếu do nguồn cung thắt chặt kể từ quý 4/2024. Về nhu cầu, tiêu thụ thép có thể phục hồi trong ngắn hạn do một số thành phố như Thượng Hải và Giang Tô có kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng. Giá thép nội địa có thể phục hồi kể từ quý 4/2024 do áp lực từ Trung Quốc giảm và nhu cầu cải thiện (nhờ nguồn cung thị trường nhà ở ấm lên và đẩy mạnh đầu tư công).
Trên thực tế, nhờ hiệu ứng giá thép thế giới, từ giữa tháng 9 tới nay, các thương hiệu thép trong nước nhiều lần điều chỉnh giá thép, trong đó thép thanh vằn Hòa Phát tăng đến 460.000 đồng một tấn.
Về triển vọng, MBS cho rằng doanh nghiệp đầu ngành thép này sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá trong nước. Vì vậy, theo ước tính, lợi nhuận ròng trong giai đoạn 24-25 có thể tăng 74% và 51% svck nhờ sản lượng tăng trưởng và biên LN gộp cải thiện.
Năm 2026, với sự đóng góp của 3 triệu tấn HRC từ DQ2, lợi nhuận ròng có thể đạt 23.576 tỷ đồng (+31% svck). HPG có thể giành lại thị phần nhờ thuế CBPG cho HRC, thu hẹp mức chênh lệch của thép Trung Quốc và Việt Nam. Hơn nữa, đóng góp sản lượng DQ2, giúp sản lượng tăng 70% so với hiện nay. Về định giá cổ phiếu HPG trên thị trường, P/B hiện tại đang hấp dẫn khoảng 1,6 ở dưới mức trung bình 2,1 của chu kỳ tăng trưởng.
Đồng quan điểm, báo cáo mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép trong 2 quý cuối năm sẽ tiếp tục duy trì mức tăng hai chữ số so với cùng kỳ nhờ các chương trình thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ dần có hiệu quả và việc xây dựng lại các công trình sau bão Yagi.
Trong trung hạn, BVSC cho rằng, động lực thúc đẩy kết quả kinh doanh của Hòa Phát còn đến từ việc đưa vào vận hành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất tối đa đạt 5,6 triệu tấn thép/năm, tập trung vào dòng thép cuộn cán nóng (HRC) và các dòng thép chất lượng cao.
Dự kiến, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Dung Quất 2 sẽ đi vào hoạt động cuối 2024 và cuối năm 2025, nâng công suất thép thô của Hòa Phát thêm 8,6 triệu tấn/năm với sản phẩm chủ lực là HRC. Ước tính dự án Dung Quất 2 ghi nhận doanh thu khoảng 70.000-80.000 tỷ đồng (sau khi chạy full công suất), đóng góp 25%-30% biên lợi nhuận của Hòa Phát
BVSC cũng kỳ vọng khả năng cao Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, điều này có thể hỗ trợ các nhà sản xuất thép HRC có năng lực tranh về giá với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có Hòa Phát.