Chi hàng tỷ USD thâu tóm loạt mỏ khoáng sản ở nước ngoài, chấp nhận ít lời, hợp đồng bất lợi: Trung Quốc đang tính toán điều gì?

Y Vân | 11:18 07/07/2025

Chiến lược của Trung Quốc không chỉ nhằm đảm bảo nguồn cung mà còn duy trì thế thống trị thị trường khoáng sản trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu ngày càng phức tạp.

Chi hàng tỷ USD thâu tóm loạt mỏ khoáng sản ở nước ngoài, chấp nhận ít lời, hợp đồng bất lợi: Trung Quốc đang tính toán điều gì?

Năm 2024, Trung Quốc đã thực hiện loạt thương vụ thâu tóm mỏ khoáng sản ở nước ngoài với tổng giá trị lên tới 7,7 tỷ bảng Anh (9,8 tỷ USD) – mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Động thái này cho thấy trong bối cảnh áp lực địa chính trị toàn cầu ngày càng lớn, Bắc Kinh đang tăng cường đảm bảo nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho ngành công nghệ, từ pin xe điện, tấm pin mặt trời đến chất bán dẫn.

Theo dữ liệu từ S&P và Mergermarket, năm 2023, Trung Quốc thực hiện 10 thương vụ mua lại mỏ khoáng sản với giá trị trên 100 triệu USD, mức cao nhất kể từ 2013. Nghiên cứu của Viện Châu Á Griffith xác nhận 2024 cũng là năm Trung Quốc đầu tư mạnh nhất vào khai khoáng và phát triển mỏ ở nước ngoài trong hơn 10 năm qua.

Michael Scherb, nhà sáng lập quỹ đầu tư tư nhân Appian Capital Advisory, nói với The Telegraph: “Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) tăng mạnh trong 12 tháng qua vì các tập đoàn Trung Quốc tin rằng họ đang có một ‘khoảng thời gian vàng’ ngắn ngủi trước khi địa chính trị trở nên phức tạp hơn. Họ đang cố gắng chốt các thương vụ càng nhanh càng tốt”.

Trong khi các thị trường chiến lược như Mỹ, Canada và Australia ngày càng siết chặt do lo ngại rủi ro an ninh liên quan đến khoáng sản trọng yếu, các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển hướng sang những quốc gia có quy định dễ dàng hơn và hệ thống quản trị ít khắt khe hơn.

Đơn cử, tháng 4 vừa qua, tập đoàn Baiyin Nonferrous của Trung Quốc đã mua lại một mỏ đồng và vàng lớn tại Brazil với giá 420 triệu USD. Chỉ vài tuần sau đó, công ty Zijin Mining công bố kế hoạch chi 1,2 tỷ USD để thâu tóm một mỏ vàng tại Kazakhstan. Những thương vụ này phản ánh xu hướng sẵn sàng đầu tư vào các khu vực rủi ro cao, nơi các đối thủ phương Tây còn đang thận trọng.

“Chiến lược M&A bên ngoài Trung Quốc đang ngày càng tinh vi hơn. Trước đây, chính phủ thường chỉ định một doanh nghiệp duy nhất cho mỗi thương vụ, nhưng nay họ để các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau. Điều đó cho thấy họ không còn e ngại sự cạnh tranh từ phương Tây”, Scherb nói thêm.

Các doanh nghiệp tích cực nhất trong làn sóng thâu tóm hiện nay gồm có CMOC, MMG và Zijin Mining. Đây đều là những doanh nghiệp nhà nước hoặc có liên hệ chặt chẽ với hệ thống công nghiệp quốc gia của Trung Quốc. Những tập đoàn này không ngần ngại chấp nhận lợi nhuận thấp hơn hoặc điều khoản hợp đồng bất lợi miễn là có thể đảm bảo nguồn cung lithium, cobalt và đất hiếm.

Ông Richard Horrocks-Taylor, Giám đốc toàn cầu mảng kim loại và khai khoáng của ngân hàng Standard Chartered, dự báo: “Hoạt động M&A từ các doanh nghiệp khai khoáng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong các năm tới”.

Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc đang rót hàng tỷ USD vào các dự án tài nguyên tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Nhiều trong số này là những quốc gia sẵn sàng đón nhận dòng tiền không kèm điều kiện của Trung Quốc. Đơn cử như Mali, nơi chính quyền quân sự đang tiếp quản các mỏ do phương Tây vận hành, lại mở cửa cho Trung Quốc.

John Meyer từ hãng tư vấn SP Angel nhận định: “Chiến lược của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là đảm bảo nguồn cung mà nhằm thống trị thị trường. Mỗi khi có ai tiến gần đến việc khai thác lithium, lập tức sẽ có người Trung Quốc xuất hiện với một cuốn séc trên tay”.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, khoáng sản đất hiếm trở thành con bài mặc cả hiệu quả của Bắc Kinh trên bàn đàm phán thương mại với Washington. 

Trung Quốc hiện đóng góp 90% nguồn cung đất hiếm toàn cầu và đây là vật liệu được sử dụng trong năng lượng sạch, quốc phòng và sản xuất ô tô. Các doanh nghiệp gần như không có nguồn cung nào khác thay thế.

Tháng trước, Washington và Bắc Kinh đã đạt được một bước tiến đáng chú ý trong quan hệ thương mại khi thống nhất cách thúc đẩy nhanh các lô hàng đất hiếm từ Trung Quốc sang Mỹ. Thỏa thuận được ký kết giữa lúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu áp lực do các biện pháp hạn chế xuất khẩu khoáng sản chiến lược từ Trung Quốc.

Tham khảo: Express UK, FT


(0) Bình luận
Chi hàng tỷ USD thâu tóm loạt mỏ khoáng sản ở nước ngoài, chấp nhận ít lời, hợp đồng bất lợi: Trung Quốc đang tính toán điều gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO