Mặt tối ‘ngôi vương’ đất hiếm của Trung Quốc: Chật vật xử lý hệ lụy âm ỉ sau hàng thập kỷ tăng tốc sản xuất

Anh Dũng | 12:02 07/07/2025

Trung Quốc đã nhiều năm nỗ lực giải quyết vấn đề bụi và nước ngầm bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Mặt tối ‘ngôi vương’ đất hiếm của Trung Quốc: Chật vật xử lý hệ lụy âm ỉ sau hàng thập kỷ tăng tốc sản xuất

Các mỏ và nhà máy tinh luyện Trung Quốc sản xuất phần lớn kim loại đất hiếm toàn cầu. Một số loại đất hiếm gần như chỉ có thể tìm thấy tại Trung Quốc. Điều này trao cho Bắc Kinh quyền kiểm soát gần như tuyệt đối mặt hàng quan trọng trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, mặt tối của “ngôi vương” đất hiếm là những tác động về môi trường kéo dài hàng thập kỷ.

Tại “thủ phủ đất hiếm của thế giới” Baotou, môi trường bị thiệt hại nặng nề sau hàng chục năm khai thác. Người dân tại thành phố công nghiệp ở phía nam sa mạc Gobi này đang phải đối mặt với những tác động âm ỉ của ô nhiễm không khí, nguồn đất và nguồn nước.

Hồ chứa bùn thải nhân tạo Weikuang lưu giữ lượng chất thải khổng lồ sau khi tách kim loại khỏi quặng. Vào mùa đông và mùa xuân, bùn khô lại. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, bụi từ hồ mang theo chì, cadmium và thorium phát tán ra môi trường. Mùa hè, nước mưa trút xuống hoà thành bùn lẫn các chất gây hại, thấm vào tầng nước ngầm bên dưới.

Đập Weikuang được xây dựng từ thập niên 1950, vì thế không có lớp lót chống thấm đạt chuẩn. Quy mô hồ lại quá lớn khiến việc phủ lớp lót trở nên bất khả thi.

Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp cải thiện an toàn môi trường. Song, các nhà khoa học cảnh báo hậu quả còn kéo dài. Một nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Nội Mông đầu năm nay cho biết: “Càng gần hồ, mức độ ô nhiễm và rủi ro sinh thái càng cao”.

Một báo cáo khác của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh cũng cảnh báo về “ô nhiễm không khí và hồ chứa chất thải nghiêm trọng” quanh khu vực Baotou.

Năm 2009, Văn phòng Quản lý Bức xạ tại Baotou từng báo cáo rằng tại mỏ Bayan Obo (cách thành phố 130 km) thorium phóng xạ bị phát tán ra môi trường dưới dạng xỉ, nước thải và bụi. Năm 2003, một nghiên cứu phát hiện trẻ em ở Baotou gặp vấn đề về phát triển trí tuệ do ô nhiễm. Đến năm 2017, xét nghiệm nước tiểu trẻ em tại đây vẫn phát hiện các chất gây hại.

Mỏ khai thác lộ thiên Bayan Obo là nơi cung cấp phần lớn đất hiếm nhẹ như lanthanum (dùng trong lọc dầu) và đất hiếm trung bình như samarium (dùng cho nam châm trong chiến đấu cơ và tên lửa). Trong thương chiến với Mỹ và EU, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu samarium từ tháng 4 và hạn chế xuất khẩu đất hiếm nặng được khai thác riêng biệt gần Longnan, phía nam Trung Quốc.

Trước chiến dịch rà soát năm 2010–2011, hàng loạt mỏ trái phép ở miền nam từng xả acid và amoniac vào suối, gây ô nhiễm ruộng lúa. Từ năm 2012, Trung Quốc bắt đầu đầu tư hàng tỷ USD để dọn sạch ngành công nghiệp đất hiếm.

Trong chuyến thăm Baotou năm 2010, phóng viên của tờ New York Times ghi nhận hồ chứa chất thải chỉ được bao quanh bằng con đê đất sơ sài. Các nhà máy tinh luyện phía bắc của hồ vận hành bằng thiết bị thô sơ. Thành phố khi đó chìm trong sương mù công nghiệp.

Tuy nhiên, khi phóng viên trở lại Baotou vào tháng 6/2025, các biện pháp cải thiện đã rõ rệt. Con đê đã được gia cố bằng đá và có thêm hào bê tông phía ngoài để ngăn rò rỉ. Khu dân cư đã được di dời, thay thế bằng các kho công nghiệp tường thép. Khu vực này vắng bóng người, bầu trời quang đãng và không khí trong lành.

Dù vậy, bụi từ hồ vẫn là thách thức lớn. Việc tinh luyện đất hiếm đòi hỏi sử dụng acid để loại bỏ cấu trúc hóa học bao quanh khoáng chất. Quá trình này giải phóng thorium phóng xạ. Tại Baotou, từ năm 2015, chất thải này được đưa vào nhà máy xử lý trước khi xả ra hồ, song không rõ biện pháp xử lý thorium ra sao.

Tại trung tâm khai thác đất hiếm nặng Longnan ở tỉnh Giang Tây, tình hình xử lý ô nhiễm cũng ghi nhận một số cải thiện. Một hồ chứa chất thải gần mỏ lớn nhất đã được lót màng đen chống thấm. Tuy đã có những bước cải thiện, nhưng quy mô và mức độ ô nhiễm cho thấy Trung Quốc vẫn cần nỗ lực xử lý triệt để chất thải từ ngành công nghiệp đất hiếm.

Tham khảo NYT


(0) Bình luận
Mặt tối ‘ngôi vương’ đất hiếm của Trung Quốc: Chật vật xử lý hệ lụy âm ỉ sau hàng thập kỷ tăng tốc sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO