Theo báo Quân đội nhân dân, giá vàng thế giới đã chạm mức cao nhất mọi thời đại trong phiên giao dịch cuối của tuần sau khi giữ trên 2.000 USD/ounce trong suốt tuần. Kim loại quý này cũng lần đầu tiên đóng cửa hằng tháng trên mức 2.000 USD/ounce nhờ được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng lãi suất tại Mỹ sẽ giảm vào tháng 3 năm sau.
Khảo sát vàng hằng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy, cả các nhà phân tích và các nhà đầu tư bán lẻ duy trì triển vọng lạc quan về vàng trong ngắn hạn. Cụ thể, có 53% các nhà phân tích phố Wall và 65% các nhà đầu tư bán lẻ dự báo vàng sẽ tăng trong tuần tới.
Chiến lược gia tiền tệ Adam Button của Forexlive.com cho rằng, việc cắt giảm lãi suất sắp diễn ra và sự thoái lui của đồng USD sẽ hỗ trợ cho đà tăng của kim loại màu vàng trong ngắn hạn. Chuyên gia này cũng cho rằng, yếu tố mùa vụ trong tháng này cũng đang thúc đẩy vàng tăng giá.
Cùng quan điểm, chuyên gia phân tích thị trường Everett Millman của Gainesville Coins cũng cho rằng vàng đang được hỗ trợ mạnh bởi yếu tố mùa vụ. Millman lấy dẫn chứng, trong 6 năm qua, vàng luôn tăng trong dịp Giáng sinh. “Tôi không thấy điều đó có gì khác biệt, mặc dù giá thực sự ở mức cao nhất trong phạm vi này”, ông nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng điều thực sự thúc đẩy giá vàng hiện nay là sự thay đổi gần đây trong kỳ vọng về lãi suất của Fed, được kích hoạt bởi những bình luận của thống đốc Fed Waller hồi đầu tuần rằng ông thấy lạm phát có xu hướng giảm dần.
Xét về góc độ kỹ thuật, chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff nói rằng vàng vẫn trong mô hình tăng và đà tăng sẽ tiếp tục được duy trì vào tuần tới.
Mặc dù vậy, một số ý kiến tỏ ra thận trọng về biến động của vàng trong tuần tới. Marc Chandler, Giám đốc điều hành của Bannockburn Global Forex, cho rằng có thể thị trường đang định giá quá sớm khả năng cắt giảm lãi suất. "Tôi cho rằng một báo cáo việc làm vững chắc vào thứ 6 tuần tới có thể đẩy vàng quay trở lại mức 2.006 USD/ounce và sau đó là 1.992 USD/ounce", Chandler nói.
Tuần tới, thị trường sẽ bị chi phối bởi một số dữ liệu quan trọng, trong đó có báo cáo việc làm, báo cáo yêu cầu thất nghiệp hằng tuần, và khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan.
Hôm 1/12, Forbes Ấn Độ dẫn báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng Mỹ là quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, hơn 8.100 tấn, tương đương hơn 500 tỷ USD.
Đức xếp thứ hai, với hơn 3.300 tấn vàng dự trữ, khoảng 206 tỷ USD. Ý, Pháp, Nga ở các vị trí tiếp theo, khi giữ từ 2.300-2.400 tấn vàng.
Trung Quốc ở vị trí thứ 6, nắm hơn 2.100 tấn vàng, tương đương 129 tỷ USD. Nhật Bản, Ấn Độ là hai quốc gia châu Á khác trong top 10 nước dự trữ vàng lớn nhất thế giới.
Tại sao các nước dự trữ vàng?
Dự trữ vàng rất quan trọng đối với sự ổn định kinh tế của một quốc gia, hoạt động như một kho lưu trữ giá trị đáng tin cậy, đặc biệt là trong những thời kỳ bất ổn tài chính.
Bản vị vàng là thông lệ toàn cầu vào cuối những năm 1800 và chiếm một phần quan trọng trong những năm 1900. Trong thời kỳ này, các quốc gia ủng hộ giá trị tiền giấy của mình bằng vàng bằng cách thiết lập tỷ giá hối đoái cố định giữa tiền tệ của họ và một lượng vàng cụ thể.
Về cơ bản, mỗi đơn vị tiền tệ được phát hành có giá trị tương ứng bằng vàng và các cá nhân có thể đổi tiền giấy của họ lấy vàng thực tế theo tỷ giá quy định này.
Mặc dù chính thức bị bỏ qua vào những năm 1970 nhưng nhiều quốc gia vẫn duy trì dự trữ vàng; nhu cầu dự trữ vàng đang tăng lên do sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng.
Các ngân hàng trung ương một lần nữa ưa chuộng vàng như một tài sản trú ẩn an toàn, được ưa thích. Dự trữ vàng tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành uy tín tín dụng và vị thế kinh tế tổng thể của một quốc gia, ngay cả khi bối cảnh kinh tế hiện đại phát triển.