Giá rẻ hấp dẫn, 'báu vật quốc gia' của Ấn Độ ồ ạt về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, là cứu tinh quan trọng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu tỷ USD

Như Quỳnh | 11:05 09/11/2023

Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo, Ấn Độ đang tăng mạnh xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam.

Giá rẻ hấp dẫn, 'báu vật quốc gia' của Ấn Độ ồ ạt về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, là cứu tinh quan trọng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu tỷ USD
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô vào Việt Nam trong tháng 9 đạt hơn 1,16 triệu tấn với trị giá hơn 318 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 2,5% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nước ta đã nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn ngô với trị giá hơn 2,03 tỷ USD, giảm 2,3% về lượng và giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá ngô nhập khẩu bình quân đạt 312 USD/tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Xét về thị trường, Arghentina đang là nhà cung cấp lớn nhất cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với 2,43 triệu tấn, tương đương với trị giá 748 triệu USD, chiếm tỷ trọng 37% về cả lượng và kim ngạch.

c6.png

Brazil đang là nhà cung cấp ngô lớn thứ 2 cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với 2,29 triệu tấn, tương đương với trị giá hơn 720 triệu USD, chiếm tỷ trọng 35,2% về lượng và 35,4% về trị giá.

Đáng chú ý, Ấn Độ đang ngày càng tăng xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm, nước ta đã nhập khẩu từ Ấn Độ hơn 1,1 triệu tấn ngô với trị giá hơn 365 triệu USD, tăng 74% về lượng và tăng 63% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu đạt 310 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2022.

c5.png

Bên cạnh gạo và đường, ngô là một trong những báu vật từ thiên nhiên của quốc gia này. Hiện nay Ấn Độ là quốc gia xếp thứ 6 trên thế giới về sản lượng ngô. Trong niên vụ 2021-2022, quốc gia này đã sản xuất được 33,73 triệu tấn ngô. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính trong niên vụ 2022-2023, sản lượng ngô của quốc gia này sẽ đạt mức 36 triệu tấn.

Việt Nam là một trong 30 nước trồng ngô lớn nhất trên toàn cầu nhưng đồng thời cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc, châu Âu, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ai Cập. Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT cho biết, tính đến đầu năm 2022, tổng diện tích trồng ngô ở Việt Nam dao động từ 900.000 -1,1 triệu ha.

Trong thời gian qua, diện tích trồng ngô giảm đáng kể, nguyên nhân là do giá thành sản xuất cao, chi phí lớn, năng suất chưa cao nên lợi nhuận trong sản xuất ngô hạn chế, diện tích ngô trồng giảm mạnh. Ngô cùng với đậu tương được nhập khẩu để phục vụ mục đích chăn nuôi gia súc và thủy sản. Các thị trường cung cấp ngô chính của Việt Nam là Brazil, Arghentina, Ấn Độ, Lào, Thái Lan và Campuchia.

Trong thời gian tới, để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu cần khuyến khích và đẩy nhanh tốc độ đăng ký và giới thiệu các giống cây trồng mới, trong đó có giống cây trồng biến đổi gene. Điều này một mặt giúp nông dân có đủ công cụ, thích ứng tốt hơn với điều kiện canh tác ngày càng khắc nghiệt, cải thiện năng suất và thu nhập nông hộ…mặt khác khuyến khích mở rộng canh tác, từ đó phần nào tự chủ được nguồn cung thức ăn chăn nuôi trong nước.

Trong báo cáo công bố gần đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giảm dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2022/2023 so do sản lượng giảm mạnh ở Achentina, ngược lại tăng ở Philippines, Việt Nam và Uzbekistan. Dự trữ ngô cuối kỳ toàn cầu ước tính ở mức 295,3 triệu tấn, giảm 1,1 triệu tấn.


(0) Bình luận
Giá rẻ hấp dẫn, 'báu vật quốc gia' của Ấn Độ ồ ạt về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, là cứu tinh quan trọng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO