Trên thị trường quốc tế, giá gas (Hợp đồng tương lai khí tự nhiên Natural Gas - mã hàng hoá: NGE) hôm nay (16/8) giảm mạnh 0,21 USD/mmBTU, tương ứng với 7,4% so với phiên giao dịch trước xuống còn 2,65 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 9/2023.
Đầu tháng này, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng vọt tới 40% khi có thông tin rằng các công nhân giàn khoan khí đốt ở Australia có thể đình công đòi tăng lương. Mối đe dọa về một cuộc đình công đã đẩy giá khí đốt lên một mức cao hơn, một lần nữa tạo khó khăn về an ninh năng lượng của châu Âu khi cuộc đình công có thể ảnh hưởng đến 1/10 lượng LNG toàn cầu.
Tại châu Âu, từ tuần trước, chi phí khí đốt tương lai giao tháng 9 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng lên mức cao nhất trong ngày, ở mức trên 43 Euro (47 USD) mỗi megawatt giờ tính theo hộ gia đình, tăng gần 40% so với mức đóng cửa trước đó.
Tại EU, Hiệp hội Các hãng khí đốt châu Âu cho biết, hiện các kho dự trữ khí đốt tại khu vực - nguồn cung khí đốt quan trọng trong những tháng mùa đông đang ở mức 80%. Cơ quan này dự báo các kho dự trữ trên sẽ đạt mức 100% vài tuần trước khi mùa đông đến. Còn theo Bộ Kinh tế Đức, các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của Đức hiện ở mức gần 90% công suất.
Ngoài ra, Hà Lan và Na Uy - hai đối tác khí đốt lớn của khu vực EU, chiếm 24% thị phần, có khả năng sẽ tạm ngừng nguồn cung khí đốt cho khu vực này trong một khoảng thời gian vì các nhà máy và đường ống dẫn khí của hai nước này cần bảo trì.
Đến nay, mặc dù giá khí đốt đang ở mức thấp so với thời điểm cách đây một năm nhưng sự biến động trong mùa đông sắp tới có thể đồng nghĩa với việc các hộ gia đình và các đơn vị sử dụng khí đốt trong sản xuất phải trả hóa đơn cao hơn.
Ở thị trường trong nước, giá gas tháng 8 đã tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp. Nguyên nhân khiến giá gas biến động do nguồn cung trong nước mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ và còn phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu.
Theo đó, giá gas Petrolimex bán lẻ tháng 8/2023 tại thị trường Hà Nội là 380.160 đồng/bình 12 kg, tăng 26.360 đồng/bình và 1.520.640 đồng/bình 48kg, tăng 105.640 đồng/bình sau thuế VAT.
Theo đại diện Petrolimex, nguyên nhân giá gas bán lẻ tháng 8 tăng giá là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 8 ở mức 465 USD/tấn, tăng 77,5 USD/tấn so với tháng 7 nên doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
Đối với sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), từ ngày 1/8 công ty này cũng cũng điều chỉnh tăng giá bán gas thêm 2.208 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương với mỗi bình gas Saigon Petro 12 kg người mua sẽ phải trả 373.500 đồng/bình.
Tương tự, giá gas của Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương tăng 26.000 đồng/bình 12kg và 108.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu này tối đa là 411.000 đồng/bình 12kg và 1.711.000 đồng/bình 50kg.
Cũng từ 1/8, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng điều chỉnh giá gas thêm 26.000 đồng/bình 12kg và 97.515 đồng/bình 45kg.