Tại Gia Lai, hồ tiêu đang được thương lái thu mua ở mức 58.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông cũng tăng 500 đồng/kg lên mức 59.500 đồng/kg.
Tại Bà Rịa Vũng Tàu, hồ tiêu đang được thương lái thu mua ở mức 61.000 đồng/kg. Với mức giá này, giá tiêu tại bà Rịa Vũng tàu tiếp tục dẫn đầu cả nước. Tại Bình Phước, Đồng Nai giá tiêu hôm nay ổn định ở mức 60.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.628 USD/tấn, tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.900 USD/tấn, tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.117 USD/tấn, tăng 0,11%, tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.250 - 3.350 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l, tiêu trắng ở mức 4.750 USD/tấn.
Các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân giá tiêu trong nước tăng ngay sau Tết Nguyên đán là bởi bức tranh mất mùa, sản lượng thấp ngày càng hiện rõ khi vụ thu hoạch rộ diễn ra.
Sau Đăk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu, hiện một số địa phương ở Gia Lai (ngoài những vùng nguyên liệu được xây dựng theo tiêu chuẩn hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp) cũng ghi nhận tình trạng sản lượng suy giảm.
Niên vụ hồ tiêu 2022-2023, xã Nâm N’Jang có trên 2.800ha hồ tiêu với sản lượng đạt 7.150 tấn, trung bình đạt năng suất trên 2,5 tấn/ha. Ngành nông nghiệp địa phương cho biết, đến nay cả huyện thu hoạch được 60-70 % diện tích, do mất mùa nên sản lượng chỉ đạt từ 40-50% so với vụ trước.
Cơ quan chức năng đang vận động người dân chủ động thu hoạch dứt điểm vụ tiêu năm nay để lên kế hoạch chăm sóc cho niên vụ tiêu mới đảm bảo năng suất và sản lượng.
Tại Bình Phước, tiêu đang vào vụ thu hoạch chính. Theo phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bù Đốp, toàn huyện hiện duy trì khoảng 4.000 ha hồ tiêu, những năm gần đây do dịch bệnh và giá tiêu liên tục xuống thấp, diện tích hồ tiêu tại địa phương hiện đã giảm hơn 50%.
Vụ tiêu năm nay, năng suất hầu hết các vườn đều giảm so với năm 2022. Nguyên nhân do vài năm trở lại đây các vườn tiêu không được chăm sóc tốt, cộng với thời tiết không thuận lợi khiến năng suất tiêu không cao.
Bước sang năm 2023, dự báo xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục gặp khó khăn do lạm phát và khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt là ở khu vực châu Mỹ và châu Âu, xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa tạm lắng.
Tuy nhiên, việc thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ lớn đã bước đầu mở cửa trở lại, sức tiêu dùng thị trường lớn với quy mô dân số toàn cầu đã đạt 8 tỷ, hàng tồn lưu kho tích luỹ tại các nước nhập khẩu từ những năm trước đã không còn nhiều giúp củng cố yếu tố hỗ trợ phục hồi thị trường trong năm 2023.