Giá hồ tiêu đang ở trạng thái tích cực

Thu Hà | 12:20 01/08/2022

Giá hồ tiêu trong nước tuần vừa qua vẫn duy trì đà tăng. Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đánh giá thị trường tuần này có triển vọng khá tích cực, không có quốc gia nào báo giảm.

Giá hồ tiêu đang ở trạng thái tích cực
Tổng nguồn cung toàn cầu năm 2022 ước đạt 535 ngàn tấn, giảm gần 3% so với năm 2021.

Theo khảo sát của MarketTimes, tuần qua ( từ ngày 25-31/7), giá tiêu trong nước duy trì đà tăng ổn định từ 500 – 1.000 đồng/kg. Đến phiên đầu tuần (1/8), giá tiêu trong nước vẫn đang duy trì ổn định, cao nhất ở mức 74.000 đ/kg. Nhờ đà tăng mạnh trong tuần qua (tăng 1.500 đồng/kg so với tuần trước đó), đã giúp thị trường hồ tiêu tháng 7/2022 của nước ta tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với đầu tháng.

Cụ thể, tại tỉnh Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 70.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước, Gia Lai giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 74.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Trong tuần này, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đã niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam tăng 100 USD/tấn, tương ứng với 3.750 USD/tấn tiêu đen loại 550g/l và 5.800 USD/tấn với tiêu trắng. Đây là mức giá bằng vào thời điểm cuối tháng 6/2022. Trên phạm vi toàn cầu, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đánh giá thị trường tuần này cho thấy triển vọng khá tích cực, không có quốc gia nào báo giảm.

Trước tình hình trên, nhiều hộ trồng tiêu vẫn động viên nhau giữ hàng lại để chờ đến khi thị trường tăng giá và ổn định hơn. Việc phục hồi giá có thể chưa nắm chắc nhưng lượng tiêu hiện có trong các vựa tiêu không còn nhiều nữa. Các đại lý thu mua đang dần nắm hết số lượng tiêu có trong năm nay của người dân.

gia-tieu(1).png
Giá hồ tiêu trong nước tuần vừa qua vẫn duy trì đà tăng.

Lạm phát tiếp tục áp lực lên giá tiêu

Giá hạt tiêu được dự báo sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới khi bối cảnh lạm phát toàn cầu vẫn neo ở mức cao, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế thế giới.

Hiện nay, đỉnh điểm thu hoạch hồ tiêu toàn cầu đã qua và áp lực bán ra không lớn. Tổng nguồn cung toàn cầu năm 2022 ước đạt 535 ngàn tấn, giảm gần 3% so với năm 2021 và lượng giảm chủ yếu đến từ Việt Nam và Ấn Độ.

Việc Fed tăng lãi suất tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến giá hàng hóa nói chung và giá tiêu nói riêng. Đồng USD mạnh khiến các nhà xuất khẩu cầm chừng, không dám mua vào. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc dự trữ hồ tiêu tại khi xuất khẩu sẽ cạn dần. Khi đồng USD ổn định và giảm nhẹ nhờ triển vọng kinh tế tích cực, trùng với thời điểm cuối năm sẽ là đòn bẩy giúp giá hồ tiêu tăng trong giai đoạn cuối năm 2022.

Một số chuyên gia cho rằng, nhu cầu của thị trường dành cho mặt hàng tiêu trong giai đoạn nửa cuối năm nay vẫn còn cao, song vẫn còn nhiều những khó khăn. Điển hình như tình hình lạm phát ở châu Âu. Việc đồng Euro suy yếu khiến người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền lớn hơn để mua hàng khiến nhu cầu tiêu dùng sẽ chậm lại.

Trong cuộc họp cuối tháng 7/2022, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho hay, giá hồ tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, khi nguồn cung từ Brazil được kỳ vọng đạt sản lượng tốt. Trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, do đó áp lực lên giá càng gia tăng.

Việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn zero Covid sẽ khiến cho nhu cầu của Trung Quốc chưa đạt mức như kỳ vọng. Mặc dù nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng trở lại, tuy nhiên đó có thể là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu. Giá khó có thể tăng khi sức mua của Trung Quốc vẫn ở mức thấp.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, tình trạng tắc nghẽn cảng ở châu Âu là vấn đề chính dẫn đến sự trì hoãn các lịch trình vận tải. Thiếu chỗ và container vẫn còn căng thẳng, đặt biệt các quốc gia xuất khẩu của Đông Nam Á. Để tránh chậm giao hàng do tình trạng tắt nghẽn tại cảng trung chuyển, các chủ hàng có xu hướng đặt chỗ các tuyến trực tiếp. Dự kiến phụ phí BAF sẽ tăng khi các hãng vận tải bắt đầu thông báo phụ phí nhiên liệu khẩn cấp.

Tình trạng thiếu tàu ảnh hưởng đến các tuyến vận chuyển trên toàn thế giới, khi 14 dịch vụ tàu viễn dương đang bị thiếu phân nửa số lượng tàu cần thiết để đảm bảo tần suất ra khơi cố định hàng tuần.

Như vậy, để phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu về lâu dài cần phải thực hiện tổng thể các giải pháp; trong đó, việc quy hoạch lại vùng sản xuất việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững, duy trì lợi thế cạnh tranh của ngành hồ tiêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giá hồ tiêu đang ở trạng thái tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO