Giá dầu thô đột ngột tăng hơn 2 USD/thùng, nhờ ổn định nguồn cung và tín hiệu thị trường tích cực.
Giá dầu tăng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi là OPEC+) giữ ổn định mục tiêu sản lượng trước lệnh cấm của Liên minh châu Âu và mức trần giá G7 tác động lên dầu thô của Nga.
Đồng thời, trong một dấu hiệu tích cực đối với nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới là nhiều thành phố của Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiềm chế COVID-19.
G7 giới hạn giá đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12, nhưng Nga cho biết sẽ không tuân thủ biện pháp này ngay cả khi phải cắt giảm sản lượng.
Mức giá trần, được thi hành bởi các quốc gia G7, Liên minh châu Âu và Australia, vượt trên lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển và các cam kết tương tự của Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và Anh.
Cam kết cho phép dầu của Nga được vận chuyển đến các nước bên thứ ba bằng cách sử dụng tàu chở dầu G7 và EU, các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng, chỉ khi hàng hóa được mua bằng hoặc thấp hơn giá trần.
Tuy nhiên, với mức trần giá được đặt ở mức 60 USD/thùng không thấp hơn nhiều so với mức 67 USD trong tuần trước, các nước EU và G7 kỳ vọng Nga sẽ vẫn có động lực để tiếp tục bán dầu ở mức giá đó và chấp nhận lợi nhuận nhỏ hơn.
Mức giới hạn sẽ được EU và G7 xem xét hai tháng một lần, lần đánh giá đầu tiên như vậy vào giữa tháng 1/2023.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 1/12 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương
Xăng E5 RON 92 giao dịch ở mức 21.679 đồng/lít; xăng RON 95 là 22.704 đồng/lít. Đối với các loại dầu, dầu hỏa 23.562 đồng/lít; dầu diesel 23.213 đồng/lít; dầu mazut 13.953 đồng/lít.
Liên bộ ngừng chi Quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít, dầu điêzen ở mức 700 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 500 đồng/kg.