Giá dầu Brent giao tháng 9 đã tăng 1,95 USD (tương đương 1,9%) lên mức 105,15 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2 USD (2,1%) và khép phiên ở mức 96,70 USD/thùng.
Tuy phục hồi giá nhưng đà tăng của giá dầu không hoàn toàn trơn tru khi vẫn có những lo ngại rằng nhu cầu nhiên liệu có thể suy yếu nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá mạnh.
Theo nhà phân tích thị trường dầu mỏ Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS, đồng USD yếu hơn một chút cùng sự cải thiện trên thị trường chứng khoán đã hỗ trợ giá dầu trong phiên này.
Giới giao dịch cũng chú ý tới thông tin Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya (NOC) cho biết họ đặt mục tiêu tăng sản lượng từ khoảng 860.000 thùng/ngày trở lại mức 1,2 triệu thùng/ngày trong vòng 2 tuần.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sản lượng của Libya sẽ tiếp tục biến động do căng thẳng vẫn ở mức cao sau các cuộc đụng độ giữa các phe phái chính trị vào cuối tuần qua.
Giá dầu kỳ hạn đã biến động khá nhiều trong những tuần gần đây, chủ yếu do áp lực từ lo ngại rằng lãi suất tăng có thể làm chậm hoạt động kinh tế và giảm nhu cầu nhiên liệu.
Ngược lại, giá “vàng đen” tìm được sự hỗ trợ bởi tình hình nguồn cung thắt chặt, đặc biệt là kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ cho phép các công ty nhà nước của Nga vận chuyển dầu đến các nước thứ 3 - theo một điều chỉnh của các biện pháp trừng phạt được các nước thành viên đồng ý nhằm hạn chế rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu.
Hôm 22/7, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết nước này sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt trần giá đối với dầu của họ