Thế hệ Z đang dần trưởng thành với mức thu nhập được dự báo tăng lên nhanh chóng, đạt 33 nghìn tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2030. Đến năm 2031, thu nhập thậm chí còn vượt qua số tiền mà thế hệ Millennials vất vả kiếm được trong 1 năm.
Vậy số tiền khổng lồ này sẽ được gen Z sử dụng như thế nào?
Cuộc khảo sát vào tháng 5 của Viện CFA cho biết hơn một nửa số người thuộc Thế hệ Z rót tiền vào các thị trường đầu tư. Nhiều người tập tành xuống tiền ngay khi mới bước sang ngưỡng tuổi 21.
Không chỉ lo lắng về sự bất ổn về kinh tế, người trẻ còn lên kế hoạch nghỉ hưu sớm và đầu tư là một trong những cách giúp họ đẩy nhanh quá trình này. Theo một số cố vấn, Gen Z cần khoảng 3 triệu USD để nghỉ hưu trong 20 năm - một tiêu chuẩn khá cao so với những thế hệ trước.
Sự phong phú và khả năng tiếp cận dễ dàng các sản phẩm tài chính thông minh khiến Thế hệ Z ‘lao đầu’ đầu tư. Đây cũng chính là nhóm có kiến thức và mức độ nắm bắt thông tin tài chính tốt nhất.
“Hoạt động đầu tư trở nên linh hoạt hơn nhiều so với bất kỳ thế hệ nào. Thế hệ Z là thế hệ những người trẻ kỹ thuật số. Họ thoải mái hơn với những ứng dụng đầu tư qua điện thoại”, Erin Lowry, tác giả bộ sách ‘Broke Millennial’, nói.
Theo báo cáo của Viện CFA, 65% nhà đầu tư Gen Z cho biết họ sử dụng các ứng dụng đầu tư để giao dịch. Tỷ lệ này ở thế hệ Millennials và Gen X lần lượt là 55% và 38%. 48% các nhà đầu tư Gen Z cho biết họ chủ yếu nhận lời khuyên tài chính từ mạng xã hội.
Lướt trên mạng xã hội, không khó để Gen Z bắt gặp các KOLs sẵn sàng chỉ ra 3 bước đơn giản giúp mang về thu nhập hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD. Slogan “Nếu tôi làm được, bạn cũng có thể!” đã trở nên quá quen thuộc.
Kết quả, một nửa số nhà đầu tư Gen Z trong cuộc khảo sát của CFA cho biết họ đầu tư vì FOMO (cảm giác sợ bị bỏ lỡ). Thời gian rảnh rỗi đóng một vai trò quan trọng trong cơn sốt các cổ phiếu meme thời đại dịch khi mà chỉ trong 2 tuần cuối cùng của tháng 1/2021, nền tảng đầu tư Interactive Investor chứng kiến sự gia tăng đáng kể 1.400% số lượt đăng ký tài khoản mới ở nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi. Ở nữ giới, tỷ lệ này là 1.200%.
Tuy nhiên, theo Charlie Pastor, một chuyên gia tại The Motley Fool's Ascent, đầu tư FOMO dẫn đến nhiều hệ luỵ. Hơn 64% Gen Z được khảo sát bởi Royal Mint cho biết họ đã trở thành nạn nhân của những kế hoạch "làm giàu nhanh chóng". Đa số chọn theo đuổi lợi ích trong ngắn hạn và bỏ qua việc tìm hiểu thị trường.
Năm ngoái, sự sụp đổ gần như hoàn toàn của token tiền số LUNA đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn. Khoản thiệt hại ước tính 60 tỷ USD đã khiến nhiều nhà đầu tư Gen Z thua lỗ. Một thanh niên 23 tuổi từng nói với Insider rằng anh đã mất toàn bộ khoản tiết kiệm cả đời chỉ vì mê muội.
“Bạn mất tiền nhưng sẽ rút ra rất nhiều bài học. Thà mắc sai lầm ở tuổi 19 còn hơn là 45 hoặc 50”, Taylor Price, người sáng lập Gen Z kiêm giám đốc trải nghiệm của Savvy, một ứng dụng giúp mọi người tối đa hóa trải nghiệm mua sắm, cho biết.
Ngoài đầu tư, Gen Z cũng đang thiết lập các kế hoạch tài chính hiệu quả. Họ rút kinh nghiệm từ những sai lầm của cha mẹ và có được khởi đầu thuận lợi hơn.
Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Hưu trí Transamerica cho thấy Gen Z bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu ở độ tuổi trung bình 19, sớm hơn bất kỳ thế hệ nào khác. 62% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi cho biết họ đang tích góp cho mục tiêu nghỉ hưu vào năm 2021 so với 30% số người cùng độ tuổi vào năm 2006.
Ở nhiều khía cạnh, Gen Z đang trưởng thành và bước vào một thị trường việc làm bùng nổ. Trong khi đó, thế hệ Millennials phải đối mặt với 2 cuộc suy thoái trước tuổi 40, đương đầu với bài toán thất nghiệp và thua lỗ triền miên.
Theo: BI