Gặp Thủ tướng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiến nghị đẩy mạnh toàn dân học một ngôn ngữ

Minh Hằng | 13:13 22/09/2024

Theo tỷ phú Phạm Nhật Vượng, khi Việt Nam đã hội nhập, toàn cầu hóa thì ngôn ngữ này rất quan trọng.

Gặp Thủ tướng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiến nghị đẩy mạnh toàn dân học một ngôn ngữ
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VGP

Đó là tiếng Anh.

Ngày 21/9 vừa qua, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã đưa ra đề xuất ở một số nhóm vấn đề về giáo dục đào tạo, an sinh và cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trong đó, về vấn đề giáo dục đào tạo, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đề xuất Chính phủ tiến hành đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ tại các trường công lập mà còn cho toàn dân, nhằm hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.

Người đứng đầu Vingroup khẳng định sẵn sàng cùng các doanh nghiệp sẽ tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa. "Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo "cần câu cơm" tốt hơn cho trẻ tại các vùng khó khăn, đồng thời góp phần phát triển các vùng này trong tương lai", ông Phạm Nhật Vượng phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện các doanh nghiệp trao đổi cởi mở bên lề Hội nghị của Thường trực Chính phủ. Ảnh: VGP 

Ngoài ra, Chủ tịch Vingroup kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tinh, AI, dữ liệu lớn...

Nhu cầu hiện nay về nhân lực trình độ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, AI và dữ liệu là rất lớn. Do dó, nếu tập trung đào tạo, theo thời gian, Việt Nam có thể tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này. Ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh rằng, ngành này có thu nhập lớn hơn nhiều ngành khác.

Theo số liệu mới đây từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần bổ sung ít nhất 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tiến hàng đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình đào tạo nâng cao và tái đào tạo cho các nhân viên.

Việt Nam xếp thứ mấy trên thế giới về độ thông thạo tiếng Anh?

Gặp Thủ tướng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiến nghị đẩy mạnh toàn dân học một ngôn ngữ - Ảnh 2.

Trong năm 2023, Việt Nam xếp hạng 58 trong tổng số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với điểm EF EPI là 505/800. Ảnh minh họa

Theo công bố xếp hạng về chỉ số thành thạo tiếng Anh EF EPI tại 113 quốc gia và vùng lãnh thổ của Tổ chực giáo dục quốc tế EF Education First, trong năm 2023, Việt Nam xếp thứ 58/113 trong bảng xếp hạng, tăng hai bậc so với năm 2022.

Cụ thể, khu vực thông thạo tiếng Anh hàng đầu ở Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng, trong đó thành phố Hà Nội có chỉ số cao hơn cả (538 điểm). Báo cáo chỉ ra rằng, nhóm tuổi từ 26 - 30 sử dụng tiếng Anh tốt nhất cả nước. Đáng chú ý, chỉ số thạo tiếng Anh của nam giới ở nước ta là 513 điểm, cao hơn nữ giới (498 điểm).

Tại Châu Á, Việt Nam xếp thứ 7 trong tổng số 23 quốc gia và khu vực. Đứng đầu châu Á về độ thành thạo tiếng Anh là Singapore, với 631 điểm. Quốc gia này cũng xếp hạng thứ 2 trên thế giới về khả năng thông thạo tiếng Anh. Ngoài ra, tại chấu Á còn có Philippines, Malaysia và Hồng Kông (Trung Quốc) sử dụng tiếng Anh ở mức trình độ cao.

Bảng xếp hạng của EF Education First được đưa ra dựa trên kết quả đánh giá trình độ của 2,2 triệu người trưởng thành.

Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội - đất nước. Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc và lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Về phía doanh nghiệp, có đại diện lãnh đạo 12 doanh nghiệp, tập đoàn lớn gồm Vingroup, SunGroup, Thaco, Hòa Phát, TH, Thủy sản Minh Phú, Masan, T&T Group, Sovico...

Lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước thể hiện sự quan tâm, động viên và đồng thời là hành động truyền lửa để cộng đồng doanh nghiệp có thêm động lực và năng lượng phấn đấu phát triển kinh tế hơn nữa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Gặp Thủ tướng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiến nghị đẩy mạnh toàn dân học một ngôn ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO