Hàng trăm ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực trên khắp nước Mỹ đang chịu áp lực.
Christopher Wolfe, giám đốc điều hành và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các ngân hàng Bắc Mỹ tại Fitch Ratings, nói với CNBC: “Một số ngân hàng phá sản hoặc yêu cầu về vốn tối thiểu đã giảm xuống”.
Công ty tư vấn Klaros Group đã phân tích khoảng 4.000 ngân hàng Mỹ và phát hiện ra rằng 282 ngân hàng phải đối mặt với mối đe dọa kép từ các khoản cho vay liên quan đến bất động sản thương mại và có nguy cơ thua lỗ do lãi suất cao hơn. Phần lớn trong số này là ngân hàng nhỏ với tài sản dưới 10 tỷ USD.
“Hầu hết các ngân hàng này không mất khả năng thanh toán. Họ chỉ đang chịu áp lực,” Brian Graham, đồng sáng lập và đối tác tại Klaros Group, nói với CNBC. “Điều đó có nghĩa là sẽ có ít ngân hàng phá sản hơn nhưng không có nghĩa là khách hàng tổ chức và cá nhân không bị tổn thương bởi những áp lực đó.”
Graham lưu ý rằng khách hàng tổ chức có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi việc các ngân hàng không đầu tư vào chi nhánh mới, đổi mới công nghệ hoặc nhân sự. Còn đối với khách hàng cá nhân, hậu quả từ ngân hàng nhỏ phá sản mang tính gián tiếp.
Sheila Bair, cựu chủ tịch của Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), nói với CNBC: “Sẽ không có hậu quả trực tiếp gì nếu tiền gửi thấp hơn giới hạn bảo hiểm tiền gửi – hiện khá cao – ở mức 250.000 USD”.
Nếu một ngân hàng sụp đổ và được FDIC bảo hiểm, mỗi người gửi tiền sẽ được nhận tối thiểu 250.000 USD trên mỗi ngân hàng được FDIC bảo hiểm, và cho từng loại hình tài khoản sở hữu.
Hôm 26/4, các cơ quan quản lý bang Pennsylvania đã đóng cửa ngân hàng Republic First Bank có trụ sở tại Philadelphia, đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng đầu tiên tại Mỹ trong năm nay. (FDIC) được chỉ định quản lý tài sản. Để bảo vệ người gửi tiền, Republic First Bank đã được FDIC bán cho Fulton Bank để tiếp quản toàn bộ tiền gửi và tài sản của ngân hàng này.
Theo CNBC