3/5 doanh nghiệp tham gia khảo sát ở Việt Nam nhận định rằng cuộc chiến thu hút nhân tài là vấn đề hàng đầu ảnh hưởng đến chiến lược phúc lợi của họ, theo công ty tư vấn, môi giới và giải pháp WTW (NASDAQ: WTW).
Khảo sát Xu hướng Phúc lợi 2023 của WTW cho thấy mặc dù chi phí tăng, ngày càng nhiều nhà tuyển dụng vẫn đang nhắm tới vị trí “top đầu” về chế độ phúc lợi để thu hút nhân tài.
Khảo sát cho thấy cuộc chiến thu hút nhân tài (60%) là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chiến lược phúc lợi của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Chi phí tăng (51%), từng là một trong hai mối quan tâm hàng đầu trong khảo sát năm 2021, tiếp tục là một trong những mối quan tâm lớn của doanh nghiệp trong khảo sát năm 2023.
Đây là dấu hiệu cho thấy người sử dụng lao động ngày càng chịu áp lực phải cân đối giữa ngân sách và mục tiêu cải thiện chế độ phúc lợi.
Kinh tế suy thoái (42%) vốn không phải là một trong những yếu tố bên ngoài hàng đầu thúc đẩy chiến lược phúc lợi theo khảo sát năm 2021, nhưng hiện giờ đứng ở vị trí quan trọng thứ ba.
Yếu tố tái cơ cấu tổ chức đã giảm xuống mức ưu tiên thứ 4 theo khảo sát năm 2023 so với mức ưu tiên thứ 3 theo khảo sát năm 2021.
Tham vọng cải thiện chế độ phúc lợi tiếp tục cạnh tranh với áp lực ngày càng tăng về quản lý chi phí và tối ưu hóa giá trị của các chương trình phúc lợi. Gần 2/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng lạm phát cao hơn (63%) và nền kinh tế và môi trường kinh doanh suy yếu (68%) sẽ có tác động đáng kể đến ngân sách phúc lợi của họ trong hai năm tới.
“Tình trạng hiện tại của nền kinh tế đang đặt doanh nghiệp tại Việt Nam vào tình thế bấp bênh, phải cân bằng giữa việc giành chiến thắng trong cuộc chiến thu hút nhân tài và phải đối mặt với chi phí dịch vụ ngày càng tăng trong khi ngân sách vẫn eo hẹp", bà Bùi Thị Hoàng Yến, Giám đốc bộ phận Sức khỏe và Phúc lợi, WTW Việt Nam, chia sẻ.
Các doanh nghiệp ở Việt Nam coi phúc lợi về sức khỏe (71%), đào tạo và phát triển nghề nghiệp (50%) và sắp xếp công việc linh hoạt (35%) là những yếu tố quan trọng nhất trong danh mục phúc lợi của họ.
Nhìn về tương lai, các doanh nghiệp ở Việt Nam nhận thấy tầm quan trọng của việc đạt được vị trí “top đầu thị trường” về chế độ phúc lợi của họ trong hai năm tới. Trong khi chỉ có 19% doanh nghiệp mô tả chương trình an sinh tài chính / phúc lợi tài chính ngắn hạn của họ thuộc “top đầu” so với các đối thủ cạnh tranh chính, thì 49% mong muốn đạt được vị trí này trong hai năm tới.
Ba phúc lợi hàng đầu khác bao gồm đào tạo và phát triển nghề nghiệp (hiện tại tỷ lệ thuôc top đầu là 21% so với tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn thuộc top đầu trong 2 năm tới là 44%), sắp xếp công việc linh hoạt (19% hiện tại so với 39% mong muốn) và phúc lợi về sức khỏe (18% hiện tại so với 42% mong muốn).
“Doanh nghiệp nào có thể tạo sự khác biệt và thực hiện các chương trình phúc lợi toàn diện sẽ có được lợi thế mạnh mẽ trước các đối thủ cạnh tranh. Để đạt được điều này, họ phải luôn chú ý và tối đa hóa trải nghiệm của nhân viên, chẳng hạn như bằng cách tận dụng dữ liệu và công nghệ, để đảm bảo rằng họ đang đáp ứng nhu cầu đa dạng của lực lượng lao động".
"Câu trả lời cho vấn đề này là xây dựng chiến lược phúc lợi theo hướng tích hợp và bền vững, giúp doanh nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu ngày càng tăng của nhân viên mà không ảnh hưởng đến các ưu tiên của doanh nghiệp,” Cedric Luah, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Sức khỏe & Phúc lợi, Khu Vực Quốc tế, WTW cho biết.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay với sự tham gia của 5.233 doanh nghiệp trên 95 quốc gia trên toàn cầu, đại diện cho 22,9 triệu nhân viên. Tại Việt Nam, có 219 doanh nghiệp tham gia khảo sát, đại diện cho 0,2 triệu lao động.