Gần đây nhất vào ngày 19/10, phiên đấu giá đất kéo dài 15 tiếng đến khuya tại Hà Đông (Hà Nội) tiếp tục gây chú ý. Sau 14 vòng đấu, lô trúng cao nhất có mức giá hơn 262 triệu đồng/m2, gấp hơn 8 lần khởi điểm. Lô thấp nhất có mức trúng hơn 140 triệu đồng/m2, cũng gấp 6 lần so với giá khởi điểm.
Theo số liệu được nền tảng Batdongsan.com.vn công bố mới đây, 38% môi giới tham gia khảo sát nhận định nguyên nhân giá đất biến động bất thường là tâm lý FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) và đầu cơ. 21% cũng cho rằng lý do xuất phát từ việc các nhóm lợi ích “thổi giá”.
Ngoài ra, 29% cho rằng những thay đổi về Luật đã thúc đẩy giá và chỉ 11% nhìn nhận giá đất biến động là sự tăng trưởng bền vững, không đáng lo.
Cột mốc đánh dấu “sức nóng” gia tăng trên thị trường đấu giá đất là phiên ngày 10/8 tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội). 68 thửa đất có diện tích từ 60 - 85 m2 được đưa ra đấu giá, khởi điểm từ 8,6 triệu đồng/m2 đến 12,5 triệu đồng/m2.
Với số lượng hồ sơ tham gia kỷ lục là 4.600, phiên đấu giá này trở thành đề tài nóng khi lô có giá trúng cao nhất lên đến hơn 100 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có 13/68 lô đất trúng đấu giá được hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tức là 80% số lô trúng đấu giá bị bỏ cọc, bao gồm lô 100 triệu đồng/m2.
Bộ Xây dựng cho biết đã và đang đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.
Bộ cũng đề xuất nghiên cứu chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn nhằm kiếm lời.
Tuy nhiên, nhìn vào toàn cảnh, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) trong quý 3/2024 đã bước qua giai đoạn nhiều biến động và đang dần phục hồi. Hồi quý 3/2023, chỉ 23% môi giới tham gia khảo sát ghi nhận giao dịch cải thiện, nhưng quý 3 năm nay có tới 51% cho biết lượng giao dịch đã ổn định hoặc tăng trở lại.
Điểm đáng chú ý là những thay đổi về pháp lý gần đây đã tạo ra tác động tích cực cho thị trường. Ba bộ luật mới, bao gồm Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, có hiệu lực từ tháng 8/2024, mang lại sự minh bạch hơn cho các giao dịch và tăng cường quản lý chặt chẽ đối với các chủ đầu tư và môi giới. Khảo sát chỉ ra rằng 55 - 59% người mua, chủ đầu tư và môi giới BĐS đã đón nhận tích cực các chính sách.
Tuy nhiên, giá BĐS vẫn ở mức cao do nhiều yếu tố. Chi phí giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, phát sinh trong quá trình phát triển dự án tạo ra áp lực tăng giá.
“Hiện nay, giá mở bán trung bình các dự án mới là trên 60 triệu/m2 nhưng mức hấp thụ vẫn khá, trong khi nguồn cung khan hiếm. Quý 2/2024, cả nước chỉ có khoảng 13.000 căn đủ điều kiện mở bán. Vì vậy BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và khó giảm giá vì sản phẩm vẫn được hấp thụ, nhu cầu ở vẫn có”, ông Nguyễn Quốc Anh bình luận.
Phó Tổng giám đốc của Batdongsan.com.vn kỳ vọng trong tương lai nguồn cung dự án sẽ cải thiện, kinh tế tăng trưởng, quá trình giãn dân được đẩy nhanh tiến độ, hạ tầng được cải thiện, và lượng tiện ích, việc làm ngoại thành tăng lên để gia tăng cơ hội sở hữu nhà cho người dân.