“Bão chắc chắn rất mạnh”, Bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia - quốc gia đăng cai tổ chức G20 năm nay, cho biết. Những khó khăn này, cùng với lạm phát và đồng USD mạnh chưa từng có song hành cùng các quyết định gia tăng lãi suất sẽ “đặt nhiều thị trường mới nổi và đang phát triển vào một tình huống hết sức khó khăn, nghiêm trọng”.
Bà Indrawati cũng cho biết việc FED tăng mạnh lãi suất để hạ nhiệt lạm phát kỷ lục của nước Mỹ gây ra những hậu quả không tốt cho các nước mới nổi và đang phát triển, buộc họ phải phát hành nhiều trái phiếu hơn.
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy khoảng 15 nước đang phát triển có trái phiếu bằng đồng USD phải trả lãi tối thiểu 10%, cao hơn ngưỡng được coi là “túng quẫn”.
Bà Indrawati là người thường xuyên góp mặt các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), nơi bà có 5 năm đảm trách cương vị Giám đốc Ngân hàng Thế giới trước khi quay trở lại Indonesia để làm việc cho Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo vào năm 2016. Ngày 12/10, bà Indrawati chủ trì cuộc họp thứ 4 của Bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng trung ương của các nước G20.
Bà Indrawati cũng nói rằng các nền kinh tế đang phục hồi sẽ không thể duy trì được đà tăng này lâu và nhiều quốc gia có thể cần tới IMF để tìm kiếm các gói cứu trợ. Năm 2023 cũng được cho là một năm rất, rất khó đối với nhiều nền kinh tế.
Hiện tại, nhiều quốc gia không thể tiếp cận nguồn phân bón và có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong 6 tháng tới. Trong khi đó, mùa đông năm này được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn do giá năng lượng tăng cao.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng. Bất chấp cơn lốc kinh tế, nhiều quốc gia giữ được vị thế mạnh mẽ và kiên cường hơn so với chính họ trong các cuộc khủng hoảng năm 1997 và 2008. Các quy định chặt chẽ hơn, tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và tỷ lệ nợ bằng đồng nội tệ cao hơn so với đồng USD giúp họ tránh được những thiệt hại nghiêm trọng.
Bà Indrawati cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đăng cai tổ chức G20, trong đó có sự tham dự của Nga. Lợi thế của G20 so với G7 là có phạm vi rộng để có thể quyết định các vấn đề toàn cầu.
Việc loại bỏ bất cứ quốc gia nào đều có nguy cơ dẫn đến sự phân mảnh của kinh tế toàn cầu, làm tăng khó khăn trong giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của thế giới như biến đổi khí hậu, thúc đẩy hòa nhập tài chính hoặc đạt được thỏa thuận về xóa nợ cho các nước nghèo.
“Tài sản và giá trị thực sự của G20 nằm ở chỗ bất kể thế giới xảy ra điều gì, việc hợp tác ở quy mô này vẫn rất quan trọng. Diễn đàn kinh tế hàng đầu như G20 vẫn đáng được tiếp tục, duy trì và bảo tồn”, bà Indrawati nói.
G20 năm nay dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày, 15 và 16/11 tại Bali, Indonesia. Hội nghị năm nay đặc biệt thu hút sự chú ý khi mà thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ biến động địa, chính trị tới nguy cơ suy thoái kinh tế bao trùm.
Tham khảo: Bloomberg