Giám đốc điều hành JPMorgan Chase: Châu Âu đang suy thoái, Mỹ sẽ là giữa năm sau

Hữu Hiển | 09:29 12/10/2022

Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo rằng nền kinh tế châu Âu đã suy thoái; và những nhân tố bất lợi "rất, rất nghiêm trọng" có thể đẩy nền kinh tế Mỹ và toàn cầu rơi vào suy thoái vào giữa năm sau, tức là từ 6 đến 9 tháng nữa.

Giám đốc điều hành JPMorgan Chase: Châu Âu đang suy thoái, Mỹ sẽ là giữa năm sau

Kênh truyền hình CNBC ngày 10/10 đưa tin, khi tham dự một hội nghị cùng ngày, Jamie Dimon - Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase - lần đầu tiên nói rằng, nền kinh tế Mỹ hiện tại "thực sự vẫn đang hoạt động tốt" và tình hình tiêu dùng có thể còn tốt hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nhưng sau đó ông Dimon nói thêm: "Nhưng bạn không thể nói về kinh tế mà không nói về tương lai - đó là một vấn đề nghiêm túc."

Theo quan điểm của ông, lạm phát mất kiểm soát, lãi suất tăng cao hơn dự kiến, tác động chưa rõ của chính sách thắt chặt tiền tệ và cuộc xung đột Nga - Ukraine đều là những dấu hiệu cảnh tỉnh nền kinh tế Mỹ.

Ông Dimon nói: “Đây là những vấn đề rất, rất nghiêm trọng mà tôi nghĩ rất có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Ý tôi là, châu Âu đã suy thoái và những vấn đề này có thể sẽ khiến Mỹ rơi vào suy thoái từ ​​6 đến 9 tháng nữa."

20221011081952336.jpeg
Jamie Dimon - Giám đốc điều hành JPMorgan Chase. Ảnh: guancha.cn

Điều đáng nói là, với việc lạm phát cao liên tục và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay tăng lãi suất, ngày càng có nhiều chuyên gia đưa ra dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, không chỉ riêng Giám đốc điều hành JPMorgan Chase.

Tại hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà đầu tư do kênh CNBC tổ chức vào ngày 28/9, Ken Griffin - Giám đốc điều hành quỹ đầu cơ nổi tiếng thế giới Citadel - cho rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, vấn đề chỉ là khi nào nó sẽ xảy ra, và thời điểm đó sớm nhất có thể là vào năm sau.

Trong khi tin rằng Mỹ nên tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ, ông Griffin cũng thừa nhận rằng những gì FED có thể làm để kiềm chế lạm phát quả thực rất hạn chế.

Theo kênh CNBC, phát biểu của các chuyên gia kinh tế được đưa ra trong bối cảnh FED và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng vọt, trong bối cảnh lo ngại về suy thoái ngày càng gia tăng.

Ngày 21/9, FED thông báo về quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản. Qua đó, biên độ lãi suất cơ bản được nâng lên trong khoảng từ 3 - 3,25%, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Đây là lần thứ 5 FED tăng lãi suất trong năm nay, và đã nâng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản, đồng thời cũng là lần thứ ba liên tiếp tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1981.

“Chúng ta phải chiến thắng lạm phát. Tôi ước rằng có một cách nào đó không đau đớn để thực điều này, nhưng đã không có", Chủ tịch FED Jerome Powell nói với các phóng viên vào thời điểm đó.

Ông Powell nhấn mạnh rằng, FED có "quyết tâm vững chắc" để giảm lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, ngay cả khi đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng và nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc thậm chí đình trệ.

20221011081838135.jpg

Ngày 21/9, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, Chủ tịch FED Jerome Powell đã tổ chức họp báo. Ảnh: Bloomberg

Hãng tin Reuters dự đoán rằng, FED cũng có thể tăng lãi suất thêm 125 điểm cơ bản tại hai cuộc họp còn lại về chính sách tiền tệ trong năm nay, đồng nghĩa với việc FED vẫn có thể tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản thêm một lần nữa.

Dự báo mới cho thấy, lãi suất quỹ liên bang (FFR) của Mỹ sẽ tăng lên mức từ 4,25% đến 4,50% vào cuối năm nay, và tăng lên mức từ 4,50% đến 4,75% vào cuối năm 2023.


(0) Bình luận
Giám đốc điều hành JPMorgan Chase: Châu Âu đang suy thoái, Mỹ sẽ là giữa năm sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO