Ngày 15/9, bên cạnh hoạt động cơ cấu danh mục của 2 quỹ quen thuộc là FTSE Vietnam ETF và VNM ETF còn diễn ra hoạt động cơ cấu của Fubon FTSE Vietnam ETF.
Theo kết quả cơ cấu danh mục được công bố, Fubon FTSE Vietnam ETF đã thêm mới cổ phiếu bất động sản là PDR của Phát Đạt vào danh mục. Ở chiều ngược lại, Fubon FTSE Vietnam ETF không loại ra khỏi danh mục. Như vậy, sau kỳ cơ cấu này, số lượng cổ phiếu trong danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF lên tới con số 30.
Quỹ đã mua mới gần 8 triệu cổ phiếu PDR, qua đó lượng cổ phiếu này chiếm tỷ trọng 1,02% danh mục quỹ. Song song, Fubon FTSE Vietnam ETF cũng mua thêm gần 1,5 triệu cổ phiếu VNM, tỷ trọng đạt 9,4%, 740 nghìn cổ phiếu MSN, tỷ trọng đạt 8,4%.
Phía bên bán, HPG bị bán ra gần 3,4 triệu cổ phiếu trong phiên 15/9, SHB cũng bị bán ra hơn 2,1 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF vẫn là HPG với 9,77% (71,8 triệu cổ phiếu), xếp tiếp theo lần lượt là VHM 9,52% (38,2 triệu cổ phiếu), VNM 9,39% (24 triệu cổ phiếu), VIC 8,53% (32,3 triệu cổ phiếu)…
HCM là cổ phiếu chiếm tỷ trọng nhỏ nhất danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF với tỷ trọng vỏn vẹn 0,16%, tương ứng hơn 950 nghìn cổ phiếu.
Số liệu chốt ngày 15/9 cho biết quy mô danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF đạt hơn 835 triệu USD (gần 20.400 tỷ đồng), tiếp tục là quỹ ETF có quy mô lớn nhất thị trường.
Thời gian gần đây, dòng vốn có dấu hiệu rút khỏi Fubon FTSE Vietnam ETF khá mạnh. Tính từ đầu tháng 9 tới nay, quỹ bị rút ròng 28,4 triệu USD. Trong tháng trước đó, quỹ bị rút ròng hơn 53 triệu USD.
Xu hướng bị rút ròng của các quỹ ETF diễn ra trong bối cảnh tỷ giá leo thang trong thời gian qua. Trong môi trường tỷ giá tăng, khối nhà đầu tư nước ngoài có phần e dè hơn trong chiến lược đầu tư do các khoản đầu tư bằng VND nếu quy đổi thành USD “vô tình” bị lỗ. Bên cạnh đó, định giá thị trường cao đáng kể cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF.
Dù vậy, tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát do cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lai hiện tại của việt Nam duy trì thặng dư. NHNN đã tích cực mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối trong giai đoạn đầu năm 2023. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào do Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, dòng tiền kiều hối hỗ trợ giai đoạn cuối năm tăng lên cũng như hoạt động xuất khẩu hồi phục khá tốt. Dòng kiều hối cuối năm và các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ cho Việt Nam.