Fed đã làm được gì trong 10 lần tăng lãi suất, liệu quyết định ngừng tăng mới đây có phải là đúng đắn?

Nhất Lưu | 20:08 15/06/2023

Chu trình tăng lãi suất liên tiếp của Fed hơn 1 năm qua đã có ảnh hưởng gì và tương lai sẽ ra sao?

Fed đã làm được gì trong 10 lần tăng lãi suất, liệu quyết định ngừng tăng mới đây có phải là đúng đắn?

Sau cuộc họp chính sách, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất nhằm đánh giá lại sức khỏe của nền kinh tế cũng như tác động của 10 lần tăng trước đó. 

Căn cứ vào các dữ liệu của Fed, Noah Sheidlower của Business Insider (BI) đã đưa ra một số phân tích về tình trạng việc làm, giá cả hay tiền gửi của khách hàng trong suốt thời gian qua cũng như tương lai sẽ ra sao. 

Việc làm 

Thực tế, khi Fed tăng lãi suất, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp sẽ chậm lại và việc làm cũng sẽ bị ảnh hưởng. Những người không đồng ý với việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed vào năm ngoái nói rằng người Mỹ có nguy cơ mất việc khi các doanh nghiệp “khốn đốn” vì chính sách thắt chặt tiền tệ.

Vào tháng 11/2022, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren cho biết: “Ông Powell có thể khiến kinh tế Mỹ biến động mạnh. Và ai có khả năng mất việc nhất?. Không phải các nhà môi giới chứng khoán hay chủ ngân hàng đầu tư. Những người mất việc sẽ là những người lao động bị trả lương thấp và những người đang gặp khó khăn khi giá cả tăng cao. Fed cần giảm tốc độ tăng lãi suất quá mức này và chú ý nhiệm vụ kép của mình là ổn định giá cả và bảo đảm việc làm”. 

Tuy nhiên, những con số thực tế hiện nay đã chỉ ra rằng khoảng thời gian này, các doanh nghiệp vẫn chưa cắt giảm việc làm một cách “quá mức”. Ngoài các ngành đang gặp khó khăn với những thay đổi mang tính hệ thống như công nghệ hay truyền thông thì tình trạng nhân viên bị nghỉ việc vẫn chưa trở thành “bão sa thải”. Thực tế, tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 3,7% và cơ hội việc làm thậm chí còn tăng lên trong tháng 4.

Mặt khác, việc sa thải hàng loạt có thể đang đi đến kết thúc, nhưng đối với những người muốn chuyển đổi công việc, đây vẫn là thời điểm hợp lý để làm điều này.

Giá thực phẩm, năng lượng, nhà ở và xe hơi 

Mặc dù lạm phát đã dần hạ nhiệt, nhưng nó vẫn ở mức cao so với những gì Mỹ đã thấy trong quá khứ và chưa đạt đến mức mục tiêu 2% của Fed. Người tiêu dùng cũng có thể cảm nhận được điều này. 

Đặc biệt, nhà ở vẫn là yếu tố thúc đẩy lạm phát hàng đầu, tiếp theo là ô tô đã qua sử dụng, mặc dù giá xe mới thực sự giảm nhẹ trong tháng 5. Tuy nhiên, một báo cáo mới từ Capital Economics chỉ ra khả năng giá nhà đất có thể giảm trong nửa cuối năm khi nhu cầu chậm lại do các khoản thế chấp tăng cao và nền kinh tế suy yếu.

Mặt khác, chi phí năng lượng đã giảm trong tháng 5 và hiện thấp hơn 11% so với cùng kỳ. Giá xăng cũng giảm gần 20% so với 1 năm trước đó. Vé máy bay cũng đã giảm 3% trong tháng 5 vừa qua. Giá thực phẩm không biến động mạnh trong tháng 5. 

Tuy nhiên, Kathy Gramling, người đứng đầu bộ phận phụ trách người tiêu dùng của EY Châu Mỹ nói với Insider rằng dữ liệu CPI gần đây và quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed sẽ giúp người tiêu dùng “tự tin” hơn trong việc mua sắm hay sử dụng tín dụng nhiều hơn một chút. Dự kiến sẽ có một làn sóng tiêu dùng mới của Mỹ “đổ bộ” mùa hè này. 

Một điều quan trọng cần theo dõi nữa là giá dịch vụ, đã tăng 4,6% vào tháng 5 so với cùng kỳ. Hiện tại vẫn còn 1 số nhà kinh tế lo ngại dịch vụ vẫn có thể đẩy lạm phát cao hơn vào cuối năm.

Tài khoản ngân hàng 

Marta Norton, giám đốc đầu tư của Morningstar Wealth Mỹ, nói với Insider rằng biến động lớn của các ngân hàng khu vực - bắt nguồn từ sự sụp đổ của SVB và First Republic - là điều không ai lường trước. 

Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng cũng như ngân hàng sẽ lo lắng về các vết nứt trong hệ thống và quyết định thắt chặt dòng vốn. 

Việc thắt chặt đó là một trong những yếu tố khiến Fed quyết định tạm dừng tăng lãi suất trong tháng này. Sự ổn định của hệ thống ngân hàng sẽ là một trong những vấn đề lớn mà Fed sẽ theo dõi trong thời gian còn lại của năm để họ quyết định liệu có tăng lãi suất trở lại hay không và nếu tăng thì vào thời điểm nào. 

Tuy nhiên, bất kể điều gì xảy ra, hầu hết các tài khoản ngân hàng của người Mỹ đều sẽ được an toàn. FDIC đảm bảo số tiền gửi lên tới 250.000 USD. Vì vậy, nếu không may có thêm ngân hàng khu vực sụp đổ, bất kỳ ai có số tiền dưới ngưỡng đó sẽ được thanh toán toàn bộ. 

Trong vụ ngân hàng sụp đổ vào tháng 3 vừa qua, chính phủ thậm chí còn bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi, kể cả những khoản trên mức 250.000 USD.

Tham khảo BI


(0) Bình luận
Fed đã làm được gì trong 10 lần tăng lãi suất, liệu quyết định ngừng tăng mới đây có phải là đúng đắn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO