Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố BCTC soát xét bán niên năm 2023 với khoản lỗ sau thuế là 29.107 tỷ đồng. Con số này đã tăng 75% so với khoản lỗ nửa đầu năm trước, thậm chí vượt cả khoản lỗ hơn 20.000 tỷ đồng của cả năm 2022.
Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là gần 30.000 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn là nguyên nhân chính khiến tập đoàn này lỗ.
Cụ thể, trong nửa đầu năm EVN ghi nhận doanh thu 229.880 tỷ đồng, tăng gần 4% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm 99,6%, tăng 94% so với năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng của doanh nghiệp lại vượt doanh thu với mức 245.068 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, EVN lỗ lũy kế 43.845 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu giảm gần 13,7% còn 194.456 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức 306.168 tỷ đồng, trong đó 86% là nợ dài hạn.
Tính đến cuối quý 2, lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp này đạt mức 76.582 tỷ đồng, giảm gần 25.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng tài sản của EVN đạt 666.165 tỷ đồng tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm.
So sánh với các doanh nghiệp (ngoài ngân hàng) trên sàn và các tổng công ty Nhà nước khác, EVN đang là tập đoàn có lượng tiền mặt lớn thứ hai, chỉ kém tập đoàn Bảo Việt (BVH). Những tổng công ty, tập đoàn nổi tiếng với lượng tiền mặt lớn như Hòa Phát, ACV, PV Gas... cũng không có lượng tiền nhiều bằng EVN. Số tiền gửi này cũng đã mang về cho tập đoàn hơn 2.222 tỷ đồng tiền lãi.
Theo báo cáo mới đây, trong 8 tháng đầu năm 2023, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 77,98 tỷ kWh, chiếm 41,86% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. EVN và các đơn vị đã khởi công 41 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 54 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV.
Đến thời điểm cuối tháng 8 đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 67 dự án (tổng công suất 3.849,41 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 61/67 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW; có 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.171,72 MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới.
Trong đó có 23 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện vẫn còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm được công nhận COD đến ngày 25/8 đạt khoảng 357 triệu kWh.