EVN nói gì về Dự án nhiệt điện Công Thanh chuyển sang điện khí LNG?

Đinh Tịnh | 19:01 24/04/2024

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải vừa có văn bản gửi Bộ Công thương góp ý về dự án nhiệt điện Công Thanh chuyển sang điện khí LNG. Đáng chú ý, ông Hải đề nghị cần sớm triển khai dự án để đưa vào vận hành đúng theo tiến độ đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII.

EVN nói gì về Dự án nhiệt điện Công Thanh chuyển sang điện khí LNG?
EVN nói gì về Dự án nhiệt điện Công Thanh chuyển sang điện khí LNG?

Đã có hợp đồng mua bán điện

Trong văn bản 2166/EVN-TTĐ của Tập đoàn Điện lực góp ý với kiến nghị của Bộ Công thương tại văn bản số 1835/BCT-ĐL ngày 22/3/2024 và văn bản số 1642/PB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/3/2024, ông Ngô Sơn Hải nêu rõ:

Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Công Thanh có công suất 600 MW, sử dụng than nhập khẩu để phát điện, do Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh làm chủ đầu tư và đưa vào vận hành năm 2020.

Công ty Mua bán điện và chủ đầu tư dự án đã đàm phán hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Thông tư số 56/2014/TT- BCT và căn cứ ý kiến của Cục Điều tiết điện lực, ngày 27/02/2020 các bên đã ký kết Hợp đồng mua bán điện NMNĐ Công Thanh số 02/2020/HD-NMD-CT, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký.

Theo tính toán cân đối cung cầu điện đến năm 2030 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, việc đảm bảo cung ứng điện khu vực miền Bắc trong giai đoạn 2026-2030 gặp nhiều khó khăn khi các nguồn điện không vào vận hành theo tiến độ tại quy hoạch.

Vì vậy, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư Dự án NMNĐ Công Thanh cần tiếp tục triển khai để đưa Dự án vào vận hành đúng theo tiến độ đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII.

Việc có chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG hay không đối với Dự án NMNĐ Công Thanh sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và nên có quyết định sớm để có hướng triển khai đồng bộ dự án, đáp ứng tiến độ yêu cầu cung cấp điện cho hệ thống điện.

Trường hợp chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kính đề nghị Bộ Công Thương xem xét, hướng dẫn các bên các vấn đề pháp lý liên quan đến Hợp đồng mua bán điện NMNĐ Công Thanh sử dụng than nhập khẩu đã ký.

Đặt lộ trình chuyển nhiệt điện sang điện khí LNG Công Thanh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, theo Quy hoạch điện VIII sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030. Việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sẽ chuyển dần sang công nghệ đốt kèm sinh khối, khí hydro...

Hiện nay, một số nhà máy nhiệt điện than vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi hoặc nếu có thì công suất sản xuất sẽ sụt giảm mạnh.

Vì vậy, đề nghị Bộ Công thương, có lộ trình chuyển đổi công nghệ để đạt mục tiêu đến năm 2050 các nhà máy nhiệt điện sẽ không còn đốt than. Hoặc sớm xem xét đồng ý chuyển một số dự án điện than sang điện khí.

Đối với dự án nhiệt điện Công Thanh, UBND tỉnh Thanh Hoá xét thấy việc đề xuất chuyển đổi nhiên liệu than sang khí LNG của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh là phù hợp với chiến lược phát triển nguồn năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu theo hướng bền vững của Bộ Chính trị, Chính phủ và đã có Văn bản số 9651/UBND-CN ngày 04/7/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất nhà máy 1.500MW.

Nếu sớm được chuyển đổi nhà máy điện khí Công Thanh sẽ sử dụng khí LNG nhập khẩu, tiêu thụ từ 1,2-1,5 triệu tấn/năm; công suất nhà máy sau khi chuyển đổi sẽ tăng từ 600MW lên 1.500MW.

Sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD. Thời gian vận hành thương mại chuyển từ giai đoạn 2021-2025 sang năm 2028.

Với những lợi thế đã có như: mặt bằng sạch, có 1 bến cảng chuyên dùng, hợp đồng mua điện và đã tìm được nhà đầu tư nước ngoài uy tín, việc chuyển từ nhiệt điện Công Thanh sang điện khí LNG là hoàn toàn khả thi. Vì thế, đề nghị Bộ Công thương có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hoá về cam kết cụ thể tiến độ vận hành nhà máy này.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) cho rằng, việc chậm trễ từ cơ quan chức năng (ở đây là Bộ Công thương), có thể sẽ đánh mất cơ hội của những dự án cụ thể, có tiềm năng.

"Chúng ta đang nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, nhưng sự chậm trễ này có thể làm nản lòng nhà đầu tư. Vì thế, Bộ Công thương cần sớm bàn bạc cùng nhà đầu tư để đưa kế hoạch chuyển đổi điện than sang điện khí sớm thành hiện thực, tránh lãng phí về nguồn lực, cơ hội", ông Hoà nói.

Về Tổ hợp nhà đầu tư, Tập đoàn Công Thanh đã khảo sát, đánh giá năng lực các nhà đầu tư quốc tế và đã lựa chọn, đàm phán và ký Thỏa thuận Hợp tác đầu tư dự án điện khí LNG Công Thanh 1.500 MW với các nhà đầu tư hàng đầu, có năng lực tốt trên thế giới gồm BP (BP Gas & Power Investment - Anh Quốc), GE (GE Capital Limited - Hoa Kỳ) và Actis (Actis Ambergen 2 Ltd - Anh Quốc).

congthanh-1693532728299.jpg
Lễ khí kết hợp tác đầu tư dự án điện khí LNG Công Thanh

Trên cơ sở kinh nghiệm, năng lực, sở trường mỗi bên, Tổ hợp đã thỏa thuận phân công nhiệm vụ mỗi thành viên như sau:

Tập đoàn Công Thanh sẽ chủ trì trong đảm bảo đầu tư xây dựng cũng như vận hành nhà máy theo quy định của pháp luật cho Dự án.

BP: Là Nhà khai thác, cung cấp khí, đầu tư nhà máy điện khí: cung cấp vốn, cung cấp giải pháp kho cảng, cung cấp khí cho dự án vận hành ổn định với giá cạnh tranh quá trình vận hành sau này, cũng như tham gia việc thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Actis: Là Quỹ đầu tư, thu xếp vốn và đầu tư nhà máy điện. Actis chịu trách nhiệm chính trong việc thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế bao gồm các tổ chức cung cấp tín dụng xuất khẩu (ECA), các ngân hàng thương mại.

GE: Là nhà chế tạo thiết bị điện hàng đầu thế giới. GE chịu trách nhiệm chính trong cung cấp thiết bị như turbin, máy phát… nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp với công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo môi trường, có thể sử dụng khí Hydrogen.

Đồng thời GE tham gia việc thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế như các tổ chức cung cấp tín dụng xuất khẩu (ECA), các ngân hàng thương mại.

Phía tổ hợp các nhà đầu tư cho biết, hiện tại chúng tôi đã thu xếp đủ vốn cho dự án, nếu được Bộ Công thương đồng ý, liên danh nhà đầu tư sẽ triển khai thi công ngay và có thể đưa vào vận hành trước năm 2030 (cụ thể là năm 2028), giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn điện đáng kể cho khu vực miền Bắc. Nếu để chậm trễ sẽ lỡ mất cơ hội và Bộ Công thương cùng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm nếu để thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
EVN nói gì về Dự án nhiệt điện Công Thanh chuyển sang điện khí LNG?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO