Năng lực nhà đầu tư “ngoại” thế nào?
Theo tìm hiểu của Markettimes, để thể hiện sự tâm huyết trong đầu tư, chuyển đổi dự án điện than Công Thanh sang điện khí LNG, Liên danh nhà đầu tư Mỹ, Anh đã có nhiều văn bản gửi tới Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các đơn vị có liên quan.
Trong đó nêu rõ, căn cứ vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và tình hình thiếu điện tại Miền Bắc, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh và Tổ hợp nhà đầu tư quốc tế bao gồm Bridgin Power (thuộc Quỹ đầu tư Actis, Vương Quốc Anh), Tập đoàn BP (Vương quốc Anh), và Tập đoàn GE (Hoa Kỳ) (gọi chung là Tổ hợp nhà đầu tư) mong muốn được thực hiện dự án chuyển đổi Dự án Nhiệt Điện Than Công Thanh 600MW thành dự án điện khí LNG Công Thanh 1500 MW và xem xét đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Về năng lực đầu tư, tài chính, đây đều là những Nhà thầu, tập đoàn lớn có uy tín trên trường quốc tế và có nhiều năm kinh nghiệp thi công, xây dựng nhiều dự án, nhà máy trong lĩnh vực năng lượng (điện gió, điện khí) đã và đang được vận hành.
Cụ thể, Tập đoàn GE Vernova, có trụ sở chính tại Boston, Hoa Kỳ là nhà sản xuất, đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng và đang giúp ngành năng lượng giải quyết vấn đề bền vững, độ tin cậy và khả năng chi trả. Với khoảng 54.000 tuabin gió và 7.000 tuabin khí, công nghệ của GE đang tạo ra khoảng 30% điện năng trên thế giới và có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Đối với Tập đoàn BP đây là một nhà thầu uy tín có trụ sở chính tại Luân Đôn, Vương Quốc Anh là một Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới sẽ tham gia với vai trò như một công ty cung cấp năng lượng quốc tế, đồng thời, sẽ phát triển giải pháp tiếp nhận LNG và cung cấp LNG cho Dự án.
Về Công ty Bridgin Power do Tập đoàn Actis thành lập có trụ sở chính đặt tại Luân Đôn,Vương quốc Anh, là một nền tảng đầu tư năng lượng khí đốt chuyên dụng được thiết lập cho quá trình Chuyển đổi Năng lượng công bằng ở Châu Á.
Dự kiến, Bridgin Power cùng với Tập đoàn Actis sẽ dẫn đầu việc phát triển khối năng lượng của Dự án cũng như đồng tài trợ (bao gồm MLA, ECA và bên cho vay nước ngoài có liên quan) của Dự án với bp và GE. Tập đoàn Actis cũng đang là nhà đầu tư, chủ sở hữu và nhà điều hành các nền tảng năng lượng và năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
Đối với Công Ty Cổ Phần Nhiệt Điện Công Thanh (gọi tắt là Công Thanh) với vai trò là chủ đầu tư trong nước, chỉ huy trưởng dự án đảm bảo Dự án tuân thủ và thực hiện mọi quy định của pháp luật Việt Nam trong quá triển khai, xây dựng.
Công Thanh cũng đã xây dựng chiến lược hợp tác với các đối tác quốc tế với bề dày kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư và cung cấp khí LNG, các loại tua-bin khí cho nhà máy điện khí và tin tưởng rằng Tổ hợp nhà đầu tư quốc tế này là tổ hợp nhà đầu tư có năng lực toàn diện, phù hợp nhất đã sẵn sàng phát triển và đầu tư vào dự án LNG Công Thanh trong tương lai.
Chính phủ "bật đèn xanh", tỉnh Thanh Hóa “gật đầu”... chờ Bộ Công thương
Trước kiến nghị của Công Thanh và tổ hợp nhà đầu tư ngoại, UBND tỉnh Thanh Hóa xét thấy việc đề xuất chuyển đổi nhiên liệu than sang khí LNG của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh là phù hợp với chiến lược phát triển nguồn năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu theo hướng bền vững của Bộ Chính trị, Chính phủ và đã có Văn bản số 9651/UBND-CN ngày 04/7/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất nhà máy 1.500MW.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, Dự án này được Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 4/11/2010, điều chỉnh lần 2 ngày 5/6/2018. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường GPMB và san lấp mặt bằng cho khu vực Nhà máy chính của dự án, đã đầu tư 80% hạ tầng cho khu vực cảng nhà máy.
Đồng thời, công ty đã cơ bản hoàn tất các hồ sơ cho dự án như: Được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp 2 tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất thực hiện dự án; được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương thẩm định thiết kế cơ sở; đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thực tế cho thấy, điện than gặp rất nhiều khó khăn do không còn là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, việc phát triển nhiệt điện than không còn phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glassgow.
Vì thế, nếu được chuyển đổi nhà máy điện khí Công Thanh sẽ sử dụng khí LNG nhập khẩu, tiêu thụ từ 1,2-1,5 triệu tấn/năm; công suất nhà máy sau khi chuyển đổi sẽ tăng từ 600MW lên 1.500MW. Sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD. Thời gian vận hành thương mại chuyển từ giai đoạn 2021-2025 sang năm 2028.
Ngoài ra, Nhà máy điện Công Thanh đã cơ bản hoàn thành việc GPMB, san lấp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng để đầu tư nhà máy; Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh đã tích cực làm việc với các nhà đầu tư uy tín nước ngoài (như các Tập đoàn BP, GE, Quỹ đầu tư Actis) để nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư dự án Nhiệt điện Công Thanh bằng nhiên liệu khí LNG.
Vì vậy, dự án điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đầu tư và hoàn thành đưa dự án điện đi vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028) nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG, đảm bảo các mục tiêu theo Quy hoạch điện VIII của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa kính đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xem xét, thống nhất cho dự án Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1500MW thuộc dự án LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn 1.500MW trong Quy hoạch điện VIII và cập nhật dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Theo tìm hiểu của Markettimes, liên quan đến việc chuyển đổi điện than sang điện khí LNG của Công Thanh, Văn phòng Chính phủ đã có nhiều văn bản gửi Bộ Công thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc chuyển đổi nhiện liệu than sang khí LNG Công Thanh
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của TTCP tại thông báo số 504/TB - VPCP ngày 12/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát các dự án nhiệt điện trên toàn quốc đã có trong Quy hoạch nhưng không thực hiện theo tiến độ đề ra theo quy định, trong đó có dự án Nhà máy nhiệt điện than Công Thanh, đề xuất phương án xử lý theo quy định tại điểm c mục 1 phần II Quyết định 500/QĐ - TTg, trong đó phải theo đúng các mục tiêu, phương hướng phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, đảm bảo cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền, có tiêu chí xử lý khoa học, công bằng, công khai, minh bạch; Thực hiện lộ trình giảm sử dụng điện than, việc chuyển đổi sang điện khí hay nguồn điện khác sẽ quyết định theo lộ trình phục thuộc vào công nghệ kỹ thuận và hiệu quả kinh tế, an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ Công thương vẫn chưa có lộ trình để chuyển đổi điện than sang điện khí cho LNG Công Thanh, điều này có đi ngược với chủ trương của Chính phủ trong cam kết chuyển đổi các dự án điện than sang năng lượng tái tạo.
Mặt khác, nếu được chuyển đổi, dự án LNG Công Thanh công suất 1.500MW có thể đưa vào sử dụng ngay trong năm 2028 (sau 4 năm xây dựng), trong bối cảnh các dự án LNG giai đoạn 2021-2030 chậm tiến độ, Miền Bắc đang rất "khát" điện.
COP28: Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ chuyển đổi nhanh từ điện than sang năng lượng tái tạo
Ngày 2/12/2023, tại toạ đàm về "Đẩy nhanh chuyển đổi điện than" do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP28).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, không thể phủ nhận vai trò của điện than, nhưng đã đến lúc cần chuyển đổi sang một nguồn năng lượng sạch hơn.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định chuyển đổi năng lượng là yêu cầu khách quan, lợi ích chiến lược và ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, song trong quá trình đó cần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia, và việc làm cho người dân, tránh gây ra các cú sốc cho người lao động.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với lộ trình và bước đi phù hợp với bối cảnh quốc gia, chuyển đổi công nghệ quản trị, đánh giá và xử lý tác động, huy động tài chính, thúc đẩy hợp tác công-tư, hợp tác quốc tế để chuyển đổi nhanh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các nước G7, trong đó có Pháp, và các đối tác quốc tế khác đã hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, nhất là thông qua triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), qua đó góp phần đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi xanh trên toàn cầu; đồng thời đề nghị các đối tác tăng cường hỗ trợ Việt Nam về tài chính ưu đãi, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống quản trị thông minh.
Các nhà lãnh đạo Pháp, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, Mỹ và Lãnh đạo các tổ chức và thể chế tài chính quốc tế hoan nghênh cam kết và nỗ lực của Việt Nam, khẳng định sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, vì lợi ích của Việt Nam và lợi ích chung của thế giới