Mất năng lượng giá rẻ của Nga, quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu ‘bế tắc toàn tập’: Rủi ro phi công nghiệp hóa hiện hữu, hơn 30 vạn việc làm có thể biến mất, giá điện còn cao nhiều năm tới

Y Vân | 08:57 19/02/2025

Trung tâm công nghiệp của châu Âu đang đối mặt khó khăn chưa từng có trong bối cảnh chi phí năng lượng cao và cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc.

Mất năng lượng giá rẻ của Nga, quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu ‘bế tắc toàn tập’: Rủi ro phi công nghiệp hóa hiện hữu, hơn 30 vạn việc làm có thể biến mất, giá điện còn cao nhiều năm tới

Đức đã mất gần 1/4 triệu việc làm trong ngành sản xuất kể từ khi đại dịch Covid bùng phát năm 2020. Các doanh nghiệp và chính trị gia lên tiếng cảnh báo rằng trung tâm công nghiệp của châu Âu đang chịu suy giảm không thể đảo ngược.

Cử tri Đức chuẩn bị đi bỏ phiếu ngày 23/2 trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang vật lộn với chi phí năng lượng cao, nỗi chán nản của người tiêu dùng và cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc.

Xu hướng này đã gây áp lực lên các đảng phái chính trị để tìm ra biện pháp khắc phục. Friedrich Merz, ứng cử viên thủ tướng Đức từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), cảnh báo rằng đất nước có nguy cơ phi công nghiệp hóa khi các tập đoàn công nghiệp đổ xô đầu tư ra nước ngoài.

Một khi tiền đã ra nước ngoài, đầu tư vào sản xuất trong nước “sẽ không quay trở lại”, Friedrich Merz cảnh báo.

Trong số các ngành công nghiệp trải qua tình trạng mất việc làm, các nhà cung ứng ô tô của Đức chịu thiệt hại đáng kể. Theo nhóm công nghiệp VDA, chỉ riêng năm 2024, khoảng 11.000 việc làm bị mất khi sản lượng ô tô bắt đầu suy giảm.

Gesamtmetall, một nhóm vận động hành lang cho các nhà tuyển dụng trong ngành công nghiệp kim loại và điện, dự báo các thành viên của nhóm có thể mất thêm 300.000 việc trong 5 năm tới, tương đương giảm 7% lao động.

Sự thu hẹp của ngành công nghiệp Đức thể hiện rõ qua sự sụt giảm giá trị thị trường trong ngành. Volkswagen (VW), Thyssenkrupp và BASF đã mất tổng cộng 50 tỷ euro, tương đương 34%, vốn hóa thị trường trong 5 năm qua.

Doanh số xe VW giao năm 2024 đã giảm gần 1/5 so với năm 2019. Nhà sản xuất thép Thyssenkrupp đã công bố kế hoạch giảm 1/4 công suất và 40% việc làm. Công ty hóa chất BASF đang tìm cách giảm 2 tỷ euro/năm tại nhà máy hóa chất lớn nhất thế giới ở Ludwigshafen.

Một trong những vấn đề lớn mà ngành công nghiệp Đức phải đối mặt là chi phí năng lượng cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ và Trung Quốc.

Ngay cả trước xung đột Nga-Ukraine đầu 2022, các doanh nghiệp Đức đã phàn nàn về chi phí năng lượng cao khi Nga thắt chặt dòng khí đốt vào 2021.

Kể từ xung đột Ukraine, Đức đã phải mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ sau khi mất nguồn khí đốt giá rẻ Nga. Đức là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu. Ngành công nghiệp nước này – chủ yếu là thép và hóa chất – chiếm 60% tổng lượng tiêu thụ năng lượng.

Malte Küper, chuyên gia năng lượng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne, dự báo các công ty Đức vẫn sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho cả điện và khí đốt đến năm 2030.

“Chi phí năng lượng không phải là lý do duy nhất khiến hiệu suất kinh tế của Đức thấp và sản lượng giảm nhưng đó là một trong những lý do chính”, ông cho biết. “Nếu các nhà hoạch định chính sách không hành động, Đức sẽ vẫn bế tắc”.

Theo Cục Thống kê Liên bang, các công ty sử dụng nhiều năng lượng ở Đức hiện đang sản xuất ít hơn gần 20% so với trước 2022.

Tháng 1, Liên đoàn công nghiệp hóa chất và năng lượng của Đức, IG BCE, cho biết hơn 200 nhà máy cắt giảm công suất hoặc đóng cửa, khiến 25.000 việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia tại công ty luật Weil, Gotshal & Manges của Mỹ, các doanh nghiệp Đức sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn gia tăng trong 12 tháng tới.

Peter Leibinger, chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức, đã kêu gọi chính phủ Đức tiếp theo ưu tiên chiến lược để đưa đất nước thoát khỏi “cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc”.

“Đơn hàng không có, máy móc nằm im và các doanh nghiệp tìm cách đầu tư ở nước ngoài”, Leibinger cảnh báo. “Tôi chưa từng thấy tình trạng tồi tệ như vậy ở các công ty công nghiệp”.

Theo Financial Times


(0) Bình luận
Mất năng lượng giá rẻ của Nga, quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu ‘bế tắc toàn tập’: Rủi ro phi công nghiệp hóa hiện hữu, hơn 30 vạn việc làm có thể biến mất, giá điện còn cao nhiều năm tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO