Trong nhiều năm, Elon Musk đã sử dụng Twitter để khiêu khích, chống đối và chỉ trích qua lại với những người có tầm ảnh hưởng, giới chức và cơ quan quản lý. Động thái này giờ đây đã lên tới một tầm cao mới, khi Musk nhận thức được rằng mình sẽ chẳng bao giờ bị phạt. Cũng bởi, Twitter đã thuộc về Musk.
Người đàn ông giàu nhất thế giới này hiện có hơn 120 triệu người theo dõi trên Twitter, tức chỉ thua cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama 10 triệu tài khoản.
Sau khi mua Twitter hồi tháng 10, Elon Musk tuyên bố rõ ràng, rằng những người nhắm vào ông trước đây cần chuẩn bị sẵn tinh thần nhận tweet công kích. Đơn cử như mới đây, vị CEO này đã nhằm vào Yoel Roth, cựu Giám đốc điều hành cấp cao của Twitter, với những lời bóng gió vô căn cứ. Ông cũng lên tiếng ủng hộ việc truy tố trách nhiệm của Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden vì có liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Quan ngại hơn, Elon Musk còn biến mạng xã hội Twitter trở thành nơi công kích một số nhà quảng cáo - những người đã quyết định cắt giảm hoặc tạm dừng chi tiêu vì lo ngại cách quản lý độc đoán của vị CEO mới. Bản thân họ cũng sợ trở thành nạn nhân của những trò tiêu khiển thiếu văn minh từ người đàn ông giàu nhất hành tinh.
“Một số nhà quảng cáo rất sợ trở thành tâm điểm bị Musk chú ý”, Lou Paskalis, một Giám đốc tiếp thị kỳ cựu, cho biết. “Các công ty cũng rất để tâm đến những gì mà Elon Musk có thể gây ra cho thương hiệu nếu họ công khai rời xa nền tảng”.
Musk mới đây còn công khai tấn công Apple vì cho rằng tập đoàn này đã hạn chế chi tiêu quảng cáo trên Twitter, thậm chí buộc tội nhà Táo khuyết đang đe dọa rút Twitter khỏi chợ ứng dụng App Store. Tỷ phú Elon Musk cho biết ông thà gây chiến với Apple còn hơn là phải chịu khoản phí 30% từ chợ ứng dụng hãng này.
Musk muốn đảm bảo rằng Twitter luôn cởi mở với các ý tưởng tranh luận. Chỉ trích công khai cũng được “chào đón” trên nền tảng.
“Tôi hy vọng rằng những người chỉ trích tôi nhiều nhất vẫn ở lại trên Twitter, bởi vì đó là ý nghĩa của tự do ngôn luận,” Musk nói. “Chính sách mới của Twitter là tự do ngôn luận, nhưng không phải là tự do tiếp cận. Các tweet tiêu cực/ghét bỏ sẽ được giảm thiểu tối đa và mất tính năng kiếm tiền, do đó, không có quảng cáo hoặc doanh thu nào khác cho Twitter.”
Ngoài ra, đại diện Twitter cũng thông báo nghiêm cấm các hành vi quấy rối hoặc đe dọa, cố ý bôi nhọ thanh danh người khác, đồng thời cho biết hành vi lạm dụng có thể đe dọa sự an toàn, thể chất và tinh thần mỗi cá nhân.
Trong những năm gần đây, các công ty truyền thông xã hội bao gồm Twitter và Facebook, đã phải đối mặt với một số vấn đề xoay quanh tình trạng kích động quấy rối trên nền tảng. Mỉa mai thay, chính Musk lại là người tạo ra làn sóng đó.
“Khi các điều khoản bị vi phạm, ai sẽ là người ngăn Musk làm điều đó?” Brianna Wu, cựu ứng cử viên quốc hội cho biết. “Nếu sở hữu một nền tảng lớn, bạn cần suy nghĩ cẩn thận về cách vận hành nó”.
Trước đó, khi Musk chưa mua lại Twitter, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã thúc giục các thẩm phán liên bang siết chặt việc sử dụng nền tảng của vị tỷ phú dựa trên những thỏa thuận dàn xếp hồi năm 2018.
“Khi nói đến dàn xếp dân sự, thỏa thuận vẫn là thỏa thuận. Không có gì thay đổi so với những gì được đưa ra trước đây... Khi Tesla sử dụng tài khoản Twitter của Musk để cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, SEC sẽ có quyền điều tra tính hợp pháp của chúng”, đại diện SEC cho biết.
Trong một hồ sơ gửi lên tòa án liên bang Manhattan, SEC cho biết tỷ phú Elon Musk đã không tuân thủ các thỏa thuận trong năm 2018, tự ý đăng Tweet mà không thông qua luật sư. Đáp lại, Elon Musk biện minh rằng việc phải chờ đợi luật sư xét duyệt ‘gây nhiều bất tiện hơn ông tưởng’ và hy vọng SEC sẽ ngừng điều tra các thủ tục tiết lộ thông tin của Tesla.
Không chỉ tự do phát ngôn về cổ phiếu Tesla và nhiều đồng tiền số meme, Elon Musk trước đó còn dùng Twitter để công khai “mỉa mai” Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi liên tục “bơ đẹp” hãng xe điện đứng đầu thế giới. Ông gọi Tổng thống Biden là “con rối’’, cho rằng vị lãnh đạo này đã “bị công đoàn chi phối’’, nhất là sau khi chính quyền Joe Biden đề xuất gói kích cầu xe điện, song chỉ áp dụng với những người mua xe được sản xuất bởi công đoàn.
Có lẽ vướng phải quá nhiều rắc rối xoay quanh vấn đề tự do ngôn luận trên nền tảng, Musk sau đó quyết định mua Twitter với giá 44 tỷ USD. Trong bức thư gửi Hội đồng quản trị Twitter, Musk cho biết Twitter “sẽ không thể phát triển mạnh mẽ cũng như phục vụ quyền tự do ngôn luận nếu giữ nguyên mô hình hiện tại”. Bởi vậy, trang mạng xã hội này cần được chuyển đổi thành một công ty tư nhân, dưới tay Elon Musk. Morgan Stanley sau đó đã được chọn làm ngân hàng tư vấn cho thương vụ thâu tóm.
Theo: WSJ, Bloomberg