*Bài viết là chia sẻ của Ed Zitron – nhà sáng lập và CEO của công ty quan hệ truyền thông EZPR.
Elon Musk làm gì cả ngày? Đó có vẻ như là một câu hỏi đơn giản và câu trả lời tất nhiên là làm việc. Musk hiện là CEO của ba công ty: SpaceX, Tesla và Twitter. Tỷ phú 51 tuổi cũng tham gia vào nhiều dự án khác bao gồm The Boring Company và Neuralink - cả hai đều do ông thành lập.
Để đảm nhiệm những công việc này cùng lúc, Musk cho biết ông đang làm việc 120/tuần và mỗi ngày của ông diễn ra như sau: “Đi ngủ, thức dậy, làm việc, đi ngủ, làm việc và làm việc, 7 ngày/tuần”.
Đầu tuần này, trong cuộc họp kinh doanh bên lề Hội nghị thượng đinh G20 ở Bali, khi được hỏi về việc mua lại Twitter Musk chia sẻ rằng ông đang làm việc với toàn bộ khả năng từ sáng đến tối, không nghỉ bất cứ ngày nào trong tuần.
Câu hỏi liệu nhà sản xuất xe điện Tesla có bị ảnh hưởng khi Musk dành quá nhiều sự tập trung cho Twitter đã trở thành mối quan tâm của các nhà đầu tư và giới phân tích trong suốt thời gian từ khi Musk mua lại và tiếp quản Twitter.
Musk vốn được biết đến là người luôn để tâm đến từng chi tiết, tham gia trực tiếp vào những quá trình quan trọng, từ thiết kế kiểu dáng xe đến giải quyết vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.
Sau khi Musk điều hành Twitter, không ít người bắt đầu đặt câu hỏi: “Musk thực sự làm gì cả ngày?”.
Qua những dòng tweet của Musk, người ta biết rằng ông vẫn chăm dùng Twitter, để bàn về một số tính năng của nền tảng này và để… sa thải những nhân viên chỉ trích mình.
Còn điều mọi người ít thấy hơn là những giá trị mà Musk đem lại cho những công ty mà mình điều hành. Tuy nhiên, với nhiều vai trò mà không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu của Musk (ông đã sa thải CEO và CFO của Twitter ngay khi lên nắm quyền), có lẽ không “ngoa” khi nói rằng Musk cần đến 24 giờ làm việc mỗi ngày để xử lý khối lượng công việc khổng lồ.
Musk là ví dụ hoàn hảo về một CEO thời hiện đại. Là CEO - vị trí cao nhất trong tổ chức, đồng nghĩa với việc là người chịu trách nhiệm cuối cùng về mọi thứ trong công ty. Thế nhưng không ít CEO thời nay lại có xu hướng đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, từ điều hành, giao dịch cho đến diễn thuyết.
Tôi cảm thấy mệt mỏi với những CEO cho rằng “mọi người không làm việc đủ chăm chỉ” trong khi người đó gặt hái được nhiều lợi ích từ các vai trò mà họ cố tình đảm nhiệm thêm.
Thay vì coi vai trò của CEO là người chịu trách nhiệm cuối cùng về thành công và thất bại của một công ty, nó đã trở thành một bước đệm mang tính cá nhân để nâng tầm thương hiệu và sự nổi tiếng của một người được trả lương cao.
Một CEO tuyệt vời là người có thể bảo vệ các giá trị của công ty và thực hiện các ý tưởng cho "bức tranh lớn", nhưng cũng là người thực sự đóng góp cho công ty ở mức độ nhất định. Ý tưởng về một CEO lần đầu tiên xuất hiện vào đầu những năm 1910 và nhiều CEO đầu tiên đã trực tiếp tham gia vào các vấn đề cơ bản của công ty như các mức lương, giờ làm việc của nhân viên và các quy trình sản phẩm cụ thể.
Khi mọi thứ phát triển, vai trò của CEO trở nên định hướng vĩ mô hơn một chút: các cuộc gọi mang tính chiến lược và thỏa thuận lớn hơn thay vì các hoạt động hàng ngày.
Nhưng đến những năm 1970 và 1980, một loạt các CEO "siêu sao" lại tạo ra sự thay đổi. Thay vì giá trị gắn liền với chất lượng sản phẩm, hạnh phúc của nhân viên hay giá trị họ tạo ra, các CEO hiện đại bắt đầu chỉ được đánh giá cao bởi khả năng giữ cho giá cổ phiếu ở mức cao và làm các nhà đầu tư hài lòng.
Họ trở thành gương mặt đại diện cho công ty, viết sách, trả lời phỏng vấn và dành ít thời gian hơn để tập trung vào sản phẩm của công ty. Không phải ngẫu nhiên, đây cũng là lúc lương của CEO bắt đầu chênh lệch đáng kể so với lương của nhân viên bình thường.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hướng phát triển này của các CEO không phải điều tích cực đối với giá trị của công ty. Một CEO giỏi có thể đảm nhiệm nhiều vai trò nhưng tất cả chỉ nên để phục vụ cho các mục tiêu của công ty hơn là mức thu nhập cao chót vót của họ.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã theo dõi các thói quen hàng ngày của một số CEO hàng đầu để xem họ thực sự làm gì trong cả ngày. Có những người cho biết họ dành tới 72% thời gian trong ngày cho các cuộc họp và thừa nhận chúng chiếm quá nhiều thời gian trong khi không phải lúc nào cũng hữu ích.
Một số CEO như Musk đã đảm nhận việc quản lý nhiều công ty lớn cùng lúc. Jack Dorsey nổi tiếng với việc điều hành cả Twitter và Square trên iPad. Trước khi bị buộc tội gian lận, Carlos Ghosn đã điều hành hai nhà sản xuất ô tô lớn là Renault và Nissan. Còn Steve Jobs cũng từng điều hành Apple và Pixar cùng một lúc.
Nếu các CEO có thời gian để thực hiện nhiều vai trò CEO "toàn thời gian", thì hoặc là họ không đóng góp đủ cho vị trí đó hoặc vai trò của họ không nặng nhọc đến mức cần sự tập trung hoàn toàn của họ.
Cách đây không lâu, tại Mỹ từng nổ ra cuộc tranh cãi về việc một CEO công nghệ sa thải hai nhân viên làm cùng lúc hai công việc. Trong một bài đăng trên LinkedIn, CEO này cho rằng những người như vậy là tai họa đối với các doanh nghiệp. “Đây là hình thức trộm cắp và lừa dối mới”, ông viết.
Trong khi đó, việc một số CEO đảm nhiệm nhiều công việc toàn thời gian lại không bị chỉ trích và thậm chí họ còn được ca ngợi vì tinh thần làm việc của mình đồng thời nhận mức lương cao gấp hàng trăm lần so với nhân viên bình thường.
Ngay cả khi CEO đưa ra các quyết định chiến lược, họ thường né tránh những hậu quả đáng kể cho những thất bại của mình. Lấy CEO của nền tảng thế chấp trực tuyến Better làm ví dụ. Người này đã đẩy công ty vào tình trạng tài chính tồi tệ rồi sau đó sa thải 900 nhân sự trong một cuộc gọi Zoom nhưng cuối cùng vẫn là người điều hành công ty.
Việc thúc đẩy dự án metaverse chưa mang lại lợi nhuận của Mark Zuckerberg có thể phá hỏng Facebook và đó là một trong những lý do chính đằng sau quyết định cắt giảm 11.000 việc làm của Meta (công ty mẹ của Facebook). Và điều đó tất nhiên, không ảnh hưởng nhiều đến Zuckerberg.
Ngay cả khi một CEO đưa ra lời xin lỗi chân thành vì sa thải hàng loạt, như trường hợp của startup thanh toán Stripe, việc không thể mở rộng quy mô công ty là bằng chứng khẳng định rằng CEO đã thất bại trong trách nhiệm quan trọng nhất của họ.
Nỗi ám ảnh của Zuckerberg về việc thêm thân dưới cho nhân vật trong metaverse hay sự chú ý mà Musk dành cho “tick xanh” trên Twitter dường như khá tiểu tiết so với hoạt động kinh doanh của các công ty mà họ điều hành. Tôi cho rằng họ chỉ đang tập trung vào một cái cây duy nhất trong cả khu rừng đang bốc cháy.
Tôi không nói rằng mọi giám đốc cấp cao đều vô dụng. Trong ngành công nghệ, có rất nhiều giám đốc kỹ thuật cống hiến hết mình cho công việc và âm thầm giúp công ty phát triển. Ở công ty của mình, tôi luôn cố gắng làm việc nhiều hơn cấp dưới để thể hiện sự tôn trọng với mọi người.
Là CEO, tôi phải làm gương và chịu trách nhiệm cuối cùng về phần lớn công việc. Tôi luôn xem khái niệm nắm giữ công ty trong tay không phải là quyền lực mà là trách nhiệm mà tôi phải luôn ý thức được.
Vấn đề xảy ra khi các công ty trở nên quá lớn và các CEO trở nên quá xa cách với sản phẩm. Musk không thực sự "hiểu" Twitter. Ít nhất, ông ấy đang sử dụng nó từ góc độ của một người có hơn 100 triệu người theo dõi.
Twitter, Tesla và SpaceX có thể sẽ hoạt động tốt hơn nếu có một CEO có tầm nhìn rõ ràng cho các sản phẩm tương ứng, tích cực tham gia vào việc tạo ra chúng và sẵn sàng hợp tác với nhân viên tuyến đầu để đạt được mục tiêu.
Mặc dù vậy, đến nay, có một số dấu hiệu cho thấy sự trở lại của CEO có trách nhiệm có thể xảy ra. Trước hết, ngày càng có nhiều công ty hạn chế số lượng hội đồng quản trị bên ngoài mà CEO của họ có thể tham gia hay thậm chí là cấm hoàn toàn việc đó.
Một số công ty khác áp dụng biện pháp như sau: Buộc CEO ghi lại lượng thời gian họ dành cho các dự án bên ngoài, bổ nhiệm nhân viên vào hội đồng quản trị để có thêm ý kiến về lương và hiệu suất của CEO đồng thời yêu cầu CEO chứng minh giá trị của mình ngoài giá trị liên quan đến cổ phiếu và sự hài lòng của các nhà đầu tư.
Mặc dù rất dễ bị cuốn hút bởi những câu chuyện hấp dẫn của các CEO tham công tiếc việc nhưng người ta phải đặt câu hỏi liệu có thực sự có thể làm việc nhiều giờ như vậy và theo dõi, điều hành nhiều dự án cùng lúc như vậy hay không.
Nhìn bề ngoài, có lẽ ai cũng bị ấn tượng với một người có thể điều hành một lúc nhiều công ty, là thành viên của hội đồng quản trị bên ngoài và tích cực làm từ thiện. Nhưng cũng công bằng khi đặt câu hỏi rằng liệu họ có đóng góp đủ nhiều cho các bên để tạo ra tác động ý nghĩa thực sự không.
Theo tôi, điều cốt lõi mà các CEO hiện đại thực sự còn thiếu làsự kết nối sâu sắc, có ý nghĩa với công việc và những nhân viên làm giàu cho họ.
Nguồn: Yahoo, Bloomberg